Hiệu quả từ công tác dân vận tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đồng bào dân tộc nỗ lực phát triển kinh tế
Xã Ba Vì (huyện Ba Vì), nơi có 98% dân số là đồng bào dân tộc Dao từng là xã đặc biệt khó khăn. Giai đoạn năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 50%, thế nhưng tới nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 0,86%; Thu nhập bình quân đầu người của Nhân dân trong xã đạt 64,7 triệu đồng/năm; 3/3 thôn của xã được UBND TP được công nhận làng nghề thuốc Nam truyền thống
Với đặc thù xã có nghề làm thuốc Nam truyền thống của người Dao, xã Ba Vì đã phối hợp với Hội đông y huyện mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chế biến thuốc Nam cho đồng bào. Đến nay, cơ bản các hộ dân trong xã đều sản xuất và trồng cây thuốc Nam; Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay giảm còn 0,86%... Với sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của huyện và thành phố, xã Ba Vì đã đạt chuẩn Nông thôn mới, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt. Nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động và luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu. Trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã luôn được đảm bảo.
Đoàn khảo sát của Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội và Ban Dân vận Huyện ủy Ba Vì thăm mô hình chế biến thuốc Nam của hộ gia đình bà Triệu Thị Thanh (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) |
Cùng với xã Ba Vì, thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số các xã Minh Quang, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Khánh Thượng... cũng cũng từng bước phát triển các “thương hiệu riêng”, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế của huyện Ba Vì. Nhiều mô hình phát triển kinh tế, xây dựng các sản phẩm OCOP như: Trồng mai trắng, chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, đà điểu, nuôi ong, sản xuất, chế biến chè búp khô… gắn với phát triển các mô hình du lịch cộng đồng.
Nhiều hợp tác xã trên địa bàn 7 xã dân tộc miền núi được thành lập, tập trung đầu tư, liên kết với nông dân để sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao, điển hình là Hợp tác xã Nam dược Tản Viên (xã Tản Lĩnh) đã xây dựng nhà máy đạt chuẩn GMP, trên cơ sở kế thừa, phát huy các bài thuốc y học cổ truyền và tinh hoa y học bản địa để sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế… Hiện nay, Hợp tác xã Nam dược Tản Viên liên kết trồng cây thuốc Nam với trên 10 hộ trong xã Tản Lĩnh, tạo việc làm cho gần 20 lao động là người địa phương, với mức thu nhập từ 7-15 triệu đồng/tháng.
Nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên
Những kết quả trên đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của huyện Ba Vì. Năm 2011, 7 xã miền núi có 2.693 hộ nghèo, chiếm 13,15%; Đến nay giảm xuống còn 177 hộ (tỷ lệ 0,69%). 7/7 xã miền núi của huyện cũng đạt chuẩn Nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2025 có 3/7 xã đạt Nông thôn mới nâng cao; Thu nhập bình quân đầu người 7 xã miền núi hiện nay đạt 60 triệu đồng/người/năm.
Kết quả này có được là nhờ huyện Ba Vì đã đẩy mạnh công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, Huyện ủy Ba Vì xác định công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cấp ủy và toàn hệ thống chính trị.
Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Dân vận Thành ủy và Huyện ủy Ba Vì, Ban Dân vận Huyện ủy đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan và 7 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thường xuyên nắm bắt tình, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào; Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân...
Trong đó, xác định phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ trọng tâm, Ban Dân vận Huyện ủy đã phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các đơn vị liên quan của huyện và cấp ủy, chính quyền 7 xã miền núi tăng cường vận động Nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Huyện tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; Khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Song song với phát triển kinh tế, huyện cũng đặc biệt quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn. UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 337/KH-UBND về công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo. Đến nay, 100% các xã miền núi đã thành lập đội bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số; Sưu tầm, mua sắm, trao tặng được 24 bộ cồng chiêng của đồng bào Mường và 3 bộ chuông chiêng của đồng bào Dao.
Các lễ hội truyền thống, các phong trào văn hóa, nghệ thuật, thể thao, thi trang phục truyền thống các dân tộc… được quan tâm duy trì và đẩy mạnh. Ban Dân vận Huyện ủy Ba Vì đã phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và cấp ủy, chính quyền 7 xã tích cực vận động đồng bào bỏ dần các hủ tục lạc hậu, bài trừ tệ nạn, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh.
Có thể nói công tác dân vận đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Ba Vì nói riêng, của TP Hà Nội nói chung.