Hiệu quả từ những chính sách nhân văn, thiết thực, hợp lòng dân
Thêm những quyết sách hợp lòng dân
Nghe thông tin năm học 2022-2023 mức học phí được giữ nguyên, chị Lê Thị Bình (quận Hà Đông) như trút được nỗi lo suốt bao lâu nay. Chồng mất sớm, một mình chị phải gồng gánh gia đình. Cuộc sống của ba mẹ con chị trông chờ vào quán trà đá được người dân trong tổ dân phố tạo điều kiện cho bán nơi đầu con hẻm nhỏ. “Thời gian trước có thông tin học phí dự kiến tăng gấp đôi khiến tôi mất ăn mất ngủ. Thu nhập gần như không có suốt hai năm dịch bệnh, nếu học phí tiếp tục tăng, có lẽ gia đình tôi sẽ phải cắt bỏ nhiều khoản chi khác trong cuộc sống”- chị Bình chia sẻ.
Còn đối với gia đình chị Nguyễn Thị Ngát (xã Minh Quang, huyện Ba Vì) thì niềm vui còn lớn hơn, vì năm học này, hai con chị đều được miễn học phí. Đầu năm học là thời điểm phụ huynh thường phải đóng nhiều khoản tiền cho con theo quy định. Vì thế, việc lo tiền học cho con trở thành gánh nặng không nhỏ.
“Việc không tăng học phí năm học 2022 - 2023 là sự chia sẻ và hỗ trợ rất lớn với khó khăn của các gia đình hiện nay”- chị Ngát bày tỏ.
HĐND TP thông qua các Nghị quyết kịp thời hỗ trợ người dân |
Nghị quyết về Quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2022-2023 và Nghị quyết Quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023 vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp thứ 9 - kỳ họp chuyên đề .
Như vậy, đây là năm học thứ hai liên tiếp thành phố Hà Nội không tăng học phí và tiếp tục chia sẻ, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh học sinh. Điều này đã mang đến sự phấn khởi, an tâm cho phụ huynh khi bước vào năm học mới, đồng thời làm giảm bớt một phần gánh nặng đối với người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, người dân khó khăn sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo HĐND TP Hà Nội, lộ trình, năm học 2022-2023 thành phố sẽ tăng học phí theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ để từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, nhằm giảm tác động do việc điều chỉnh học phí theo lộ trình của Chính phủ, với quan điểm đồng hành, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính đối với phụ huynh học sinh và để bảo đảm an sinh xã hội, TP Hà Nội đã xây dựng phương án mức thu học phí năm học 2022-2023 giữ nguyên như năm học 2021-2022 (gồm cả phần thành phố hỗ trợ 50% học phí). Phần chênh lệch giữa mức thu thực tế so mức học phí phải thực hiện theo lộ trình của Nghị định 81 sẽ do ngân sách thành phố cấp bổ sung.
Dự kiến, tổng mức ngân sách thành phố Hà Nội bù vào phần hỗ trợ học phí năm học 2022-2023 khoảng 1.133 tỷ đồng; Cơ chế miễn học phí cho các đối tượng theo quy định cũng có kinh phí ngân sách khoảng hơn 17 tỷ đồng.
Sự đổi mới trong hoạt động, vào cuộc kịp thời của HĐND TP đã tạo nên những dấu ấn cho nhiệm kỳ mới |
Cũng tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập. Với các mức hỗ trợ từ 5 đến 10 triệu đồng/người, dự kiến thành phố hỗ trợ hơn 257 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cấp thành phố. Đây là chính sách mới, đặc thù của Thủ đô bên cạnh các chế độ, chính sách đã có nhằm kịp thời thu hút và giữ chân công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế làm việc tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố.
Xứng đáng là cơ quan dân cử
Đây không phải là lần đầu HĐND TP Hà Nội ban hành những chính sách an sinh đặc thù để hỗ trợ người dân. Năm 2021 khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch. Đây được đánh giá là một chính sách mở, là cơ hội để nhiều người dân được tiếp cận các gói hỗ trợ an sinh xã hội của thành phố.
HĐND TP cũng đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt giảm 15% trong 4 tháng cuối năm, chấp thuận bổ sung 500 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách thành phố năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố để cho người lao động có nhu cầu vay phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn do dịch COVID-19, tạo việc làm và thu nhập ổn định.
HĐND TP Hà Nội đã và đang góp phần từng bước hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô |
Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, nhiệm kỳ 2021-2026, với phương châm "Đổi mới, sâu sát, khoa học, hiệu quả”, HĐND TP Hà Nội luôn hoàn thành các trọng trách với nhiều dấu ấn quan trọng, được cử tri và Nhân dân Thủ đô ghi nhận, được Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao, là “điểm sáng”, là “hình mẫu” trong hoạt động của các cơ quan dân cử của cả nước.
Trong đó nổi bật là việc tổ chức các kỳ họp HĐND; Quyết định các vấn đề quan trọng của thành phố; Ban hành các cơ chế, chính sách; Hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình; Tiếp xúc cử tri, tiếp dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân… Sự đổi mới trong hoạt động, vào cuộc kịp thời của HĐND TP đã tạo nên những dấu ấn cho nhiệm kỳ mới ngay từ những năm đầu.
Riêng với việc kịp thời ban hành những chính sách nhân văn, đồng hành và hỗ trợ người dân, HĐND TP Hà Nội đã và đang góp phần từng bước hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô; Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cử tri, Nhân dân ý kiến, kiến nghị chưa giải quyết kịp thời. Nhu cầu thực tiễn cuộc sống của cử tri và các quy định mới của pháp luật đòi hỏi ý thức trách nhiệm của người đại biểu dân cử phải càng cao. Đại biểu HĐND TP phải luôn nhận thức sâu sắc rằng, trong mỗi thành tựu và hạn chế của tỉnh nhà có phần đóng góp và trách nhiệm của mình, để từ đó tiếp tục chung tay, góp sức với các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cử tri, Nhân dân.