Hòa Lạc đã hình thành hệ sinh thái ban đầu cho lĩnh vực công nghệ cao
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo thành phố thăm Nhà máy Hanwha Aerp Engines
Bài liên quan
Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc
Quy hoạch xây dựng trường Đại học Quốc tế rộng hơn 9ha tại Hòa Lạc
VinSmart hợp tác với Fujitsu và Qualcomm phát triển điện thoại thông minh 5G
Dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà cùng đại diện các Sở, ban, ngành thành phố Hà Nội.
Báo cáo về tình hình xây dựng, phát triển của Khu CNC Hòa Lạc, ông Lưu Hoàng Long, quyền Trưởng ban Ban Quản lý khu CNC Hòa Lạc cho biết, đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Ban Quản lý 1.530ha trên tổng số 1.586ha để xây dựng và phát triển khu CNC Hòa Lạc theo quy hoạch. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích đất các nhà đầu tư đang sử dụng tại khu CNC Hòa Lạc khoảng 240ha trên tổng số khoảng 1.000ha đất khả dụng theo quy hoạch.
Hiện nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực phía Bắc đại lộ Thăng Long đã được đầu tư cơ bản đồng bộ bằng nguốn vốn ngân sách Trung ương và vốn vay ODA Nhật Bản, bao gồm hệ thống đường giao thông khoảng 40km và các công trình theo đường; Hệ thống thoát nước mưa, thoát và xử lý nước thải, cấp nước, điện, viễn thông... Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực phía Nam đại lộ Thăng Long hiện mới đầu tư được khoảng 20% khối lượng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch. Thành phố Hà Nội đã bố trí 2 tuyến xe bus kết nối giữa nội thành Hà Nội và khu CNC Hòa Lạc (tuyến số 74 và 107).
Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, có 8 dự án mới đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng trên 14.000 tỷ đồng. Tính lũy kế từ khi thành lập đến nay, khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được 94 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 89.300 tỷ đồng, trong đó có 51 dự án đang hoạt động với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 năm gần đây đạt trên 4 tỷ đô la Mỹ.
Hiện nay, tại khu CNC Hòa Lạc có trên 22.000 người đang học tập và làm việc, trong đó có khoảng 9.000 học sinh, sinh viên và khoảng 13.000 lao động. Số lượng lao động tại khu CNC Hòa Lạc có trình độ đại học trở lên trung bình đạt trên 50%; Tại một số dự án, tỷ lệ này đạt trên 90%.
Ông Lưu Hoàng Long cũng cho biết, các dự án đầu tư tại khu CNC Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm; Công nghệ sinh học phục vụ y tế, công nghệ cơ khí chính xác, tự động hóa... Hiện nay đã có một số sản phẩm công nghệ cao tiêu biểu được phát triển, sản xuất tại khu CNC Hòa Lạc, trong đó có điện thoại thông minh 5G, thiết bị mạng 5G do Công ty Vinsmart hợp tác với Qualcomm sản xuất; Rada cảnh giới biển ứng dụng công nghệ 4G, 5G của Tập đoàn Viettel; Cấu kiện động cơ máy bay, các dụng cụ cắt gọt công nghệ cao trong công nghiệp hàng không của Công ty Hanwha; Hệ thống bảo vệ điều khiển tích hợp trạm biến áp; Các tủ điện hạ thế, trung thế của Công ty Á Châu với công nghệ được chuyển giao từ các hãng sản xuất thiết bị điện hàng đầu thế giới...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban Quản lý khu CNC Hòa Lạc đã nêu 6 nhóm kiến nghị với thành phố Hà Nội. Trong đó, về công tác bồi thường GPMB và tái định cư, UBND thành phố Hà Nội ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ GPMB phần diện tích còn lại của khu CNC Hòa Lạc, hoàn thành xây dựng các khu tái định cư và các công trình phục vụ GPMB cho khu CNC.
Ngoài ra, UBND thành phố bố trí vốn để xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Vai Réo phục vụ GPMB Khu công nghiệp Bắc Phú Cát cũ theo chỉ đạo của Chính phủ. Ban Quản lý khu CNC cũng kiến nghị Hà Nội tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật kết nối và hạ tầng xã hội trong khu; Sớm thành lập và đưa vào hoạt động đồn công an, đội cảnh sát PCCC chuyên ngành để đảm bảo công tác quản lý an ninh, trật tự và PCCC của khu.