Hoài Đức nâng chất tiêu chí Nông thôn mới theo hướng đô thị
Nhận được sự đồng thuận cao của người dân
Phấn đấu trở thành quận của Thủ đô Hà Nội, huyện Hoài Đức đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thực hiện nâng cao chất lượng tiêu chí Nông thôn mới theo hướng đô thị để các xã trở thành phường, huyện trở thành quận trong tương lai gần. Hiện nhiều đề án, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo bước chuyển căn bản và nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Năm 2023, huyện Hoài Đức đặt mục tiêu đưa 9 xã về đích Nông thôn mới nâng cao. Cụ thể là các xã: Đức Giang, Tiền Yên, Minh Khai, Cát Quế, Đắc Sở, Vân Canh, Di Trạch, La Phù và An Thượng.
Vừa qua, tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định xã Nông thôn mới nâng cao thành phố Hà Nội đã tổ chức đánh giá, chấm điểm kết quả xây dựng Nông thôn mới tại 9 xã nêu trên. Theo đó, 9/9 xã đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận về đích năm 2023.
Đoàn thẩm định thành phố Hà Nội kiểm tra thực tế các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) |
Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng Nông thôn mới nâng cao, các địa phương đều xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng năm, cân đối nguồn vốn và các điều kiện thực hiện. Nhờ đó, 9/9 xã không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng Nông thôn mới.
Đáng chú ý, kết quả xây dựng Nông thôn mơi nâng cao tại các địa phương được Nhân dân đánh giá cao. Ông Phạm Văn Bính, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lưu Xá (xã Đức Giang) cho biết: Những năm qua, bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi thay tích cực. Nhân dân phấn khởi, rất ủng hộ chính quyền trong quá trình xây dựng Nông thôn mới.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên), thành quả xây dựng Nông thôn mới khiến người dân hết sức phấn khởi. Đặc biệt, hạ tầng phục vụ sản xuất được quan tâm, đầu tư ngày một đồng bộ, tạo thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế. Đời sống của Nhân dân ngày một được nâng cao.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến cho biết, với việc có thêm 9 xã đủ điều kiện về đích năm 2023, toàn huyện sẽ có 16/19 xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 84% tổng số xã).
Theo quy định của Trung ương, huyện Nông thôn mới nâng cao cần có ít nhất 50% tổng số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Như vậy đến nay, huyện Hoài Đức đã cơ bản đủ điều kiện cần.
Ngoài yêu cầu trên, để đạt mục tiêu huyện Nông thôn mới nâng cao, các địa phương phải hoàn thành 9 tiêu chí. Qua rà soát, huyện Hoài Đức hiện đã đạt 6 tiêu chí: Quy hoạch, Thủy lợi và phòng chống thiên tai, Điện, Môi trường, Chất lượng môi trường sống, An ninh trật tự - Hành chính công. 3 tiêu chí cơ bản đạt gồm: Giao thông, Y tế - Văn hóa - Giáo dục, Kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, hiện nay huyện đang chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với 9 xã để hoàn thiện hồ sơ kèm minh chứng, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư để hoàn thành nhóm tiêu chí huyện Nông thôn mới; phấn đấu trong quý I/2024, sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình thành phố thẩm tra đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Phấn đấu về đích Nông thôn mới nâng cao theo đúng kế hoạch
Xây dựng Nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đây thực sự là cuộc "cách mạng" về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Do đó, huyện Hoài Đức cũng xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" ở khu vực nông thôn.
Hoài Đức là một trong 5 địa phương được Thành ủy Hà Nội đưa vào nghị quyết trong nhiệm kỳ 2021-2025 sẽ phát triển lên quận. Để thực hiện, huyện có nhiều điều kiện thuận lợi, trong đó được thành phố đặc biệt quan tâm về cơ chế, chính sách và nguồn lực. Do thực hiện các tiêu chí quận mà người dân được thụ hưởng những công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày một tốt hơn.
Ông Ngọ Văn Ngôn - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phát biểu tại hội nghị thẩm định |
Trong số 27 tiêu chí quận đối với cấp huyện, Hoài Đức còn một số tiêu chí thực hiện khó khăn, như: Tiêu chí xử lý nước thải đô thị, tiêu chí cân đối thu - chi ngân sách... Với những tiêu chí này, huyện Hoài Đức đã có giải pháp như đề nghị thành phố đẩy nhanh xây dựng các dự án nước thải tập trung, chủ động kêu gọi thu hút đầu tư, hình thành các dự án cụm công nghiệp mới để tăng nguồn thu…
Song song với phát triển xã thành phường, huyện thành quận, Hoài Đức tiếp tục xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, giữ nét đặc sắc của những xóm làng truyền thống, tiếp tục quan tâm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là với 9 xã vùng bãi trên địa bàn, phát triển làng nghề… để nâng cao thu nhập, chất lượng sống của người dân. Huyện Hoài Đức phấn đấu đến năm 2025 có 80% số xã hoàn thành xây dựng Nông thôn mới nâng cao và 20% số xã hoàn thành xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, qua đánh giá thực tế, thành viên tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định Nông thôn mới nâng cao thành phố nhận thấy Nông thôn mới nâng cao đã hiện hữu tại 9 xã của huyện Hoài Đức. Diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện, rõ nét.
Nhấn mạnh quan điểm của thành phố Hà Nội là xây dựng Nông thôn mới “có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc”, ông Ngọ Văn Ngôn đề nghị huyện Hoài Đức tiếp tục chỉ đạo các xã duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo, huy động đa dạng nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới còn lại, phấn đấu đưa huyện về đích Nông thôn mới nâng cao theo đúng kế hoạch.
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương |