Lựa chọn thế mạnh địa phương để xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu
Xây dựng nhiều mô hình Nông thôn mới tiêu biểu
Ngày 17/11, Đoàn thẩm định Nông thôn mới thành phố Hà Nội tiến hành thẩm định kết quả xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu tại 4 xã: Đại Áng, Duyên Hà, Vĩnh Quỳnh, Yên Mỹ (huyện Thanh Trì).
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, cả 4 xã được đánh giá Nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Thanh Trì đều mới đạt Nông thôn mới nâng cao năm 2022. Phát huy kết quả đạt được, các xã tiếp tục chọn thế mạnh của địa phương để xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong đó, xã Yên Mỹ và Đại Áng chọn xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện trên cả 8 lĩnh vực: Môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, chuyển đổi số, an ninh trật tự, sản xuất; các xã Vĩnh Quỳnh và Duyên Hà xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu trên 5 và 6 lĩnh vực.
Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố thẩm định thực tế mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao "sông trong ao" ở xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) |
Ông Nguyễn Xuân Thọ, Chủ tịch UBND xã Đại Áng cho biết, trên cơ sở bộ tiêu chí và hướng dẫn xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu, xã đã triển khai kế hoạch thực hiện chuyển đổi số và xây dựng mô hình thôn thông minh cho cả 4/4 thôn trên địa bàn.
Hiện các thôn này có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình đã thực hiện giới thiệu, quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức thương mại điện tử. Hiện tại, Đại Áng đã được UBND thành phố công nhận là Điểm du lịch của thành phố.
Còn tại xã Yên Mỹ, theo Chủ tịch UBND xã Hà Diệu Thư, tổng giá trị sản xuất năm 2023 của xã ước đạt 448,6 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Giá trị thương mại - dịch vụ chiếm 58,5%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản 28,8%; nông nghiệp còn 12,7%. Hiện, Yên Mỹ có nhiều mô hình xây dựng Nông thôn mới tiêu biểu, như: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, mô hình trồng rau an toàn...
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn thẩm định của thành phố cho biết, trên cơ sở khảo sát thực tế, đối chiếu hồ sơ minh chứng từng xã, Đoàn thẩm định nhất trí, cả 4 xã của huyện Thanh Trì đều đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định thành phố đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 trên từng lĩnh vực cụ thể.
Hoàn thành thẩm định 8 xã Nông thôn mới kiểu mẫu
Trước đó, ngày 15/11, Đoàn thẩm định Nông thôn mới thành phố Hà Nội đã thẩm định xã Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 đối với 4 xã: Tân Triều, Thanh Liệt, Tam Hiệp, Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì).
Bốn xã trên đều triển khai thực hiện xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu từ 6-7 lĩnh vực trên tổng số 8 lĩnh vực của Bộ tiêu chí xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu, gồm: Môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, chuyển đổi số, an ninh trật tự, sản xuất. Trong đó, 3 xã Tân Triều, Thanh Liệt, Tứ Hiệp chọn xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu trên 6 lĩnh vực; xã Tam Hiệp chọn 7 lĩnh vực.
Tại xã Tân Triều, thực hiện xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, đến năm 2023, thu nhập bình quân đã đạt 89 triệu đồng/người/năm. Hiện, cơ cấu kinh tế của xã: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 65%; thương mại, dịch vụ 35%; sản xuất nông nghiệp còn dưới 0,1%.
Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố kiểm tra tại Điểm giải quyết thủ tục hành chính nhà văn hoá thôn ở xã Tân Triều |
Đối với xã Tứ Hiệp, Trung tâm văn hóa xã được xây dựng từ năm 2013 trên diện tích 2,1ha, có đầy đủ trang thiết bị phục vụ hoạt động; 5/5 thôn của xã có nhà văn hóa và điểm sinh hoạt cộng đồng được đầu tư khang trang, sạch đẹp... Trên địa bàn có 13 câu lạc bộ văn hóa, thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia.
Đối với xã Tam Hiệp, thực hiện chuyển đổi số, tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn xã có kết nối internet đạt 88%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 96,06%...
Trên địa bàn xã Thanh Liệt có nhiều di tích được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia, đang được địa phương phát huy để gắn với du lịch tâm linh như: Đình thờ Danh nhân tiên triết Chu Văn An, đình thờ Đô Hồ Đại vương Phạm Tu, chùa Quang Ân...
Bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng thôn Cổ Điển B, xã Tứ Hiệp cho biết, Nhân dân trong thôn chung sức xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, tham gia vệ sinh môi trường, phân loại rác thải tại gia đình. Qua lấy ý kiến, người dân hài lòng, nhất trí rất cao về kết quả xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu. Thôn cũng đã xây dựng mô hình thôn thông minh với 4 nhóm Zalo có sự tham gia của lãnh đạo thôn với các xóm để tuyên truyền và nắm bắt tình hình trong thôn…
Theo Bí thư Chi bộ thôn Triều Khúc (xã Tân Triều) Triệu Đình Tuyến, là thôn giàu truyền thống, có nhiều nét văn hóa đặc trưng như múa Bồng, lễ hội làng Triều Khúc..., thôn đã tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng Nông thôn mới, gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa riêng có của địa phương.
Chia sẻ về công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện Thanh Trì, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố đánh giá cao sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của huyện Thanh Trì và các xã trong quá trình triển khai xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, đặc biệt là sự đồng thuận, nhất trí cao trong Nhân dân.
Trên cơ sở khảo sát thực tế, đối chiếu với hồ sơ minh chứng của từng xã, Đoàn thẩm định thống nhất 8 xã trên của huyện Thanh Trì đều đủ điều kiện để hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định của thành phố đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.
Như vậy, trong 2 ngày 15 và 17/11, Đoàn thẩm định Nông thôn mới kiểu mẫu thành phố Hà Nội đã hoàn thành thẩm định Nông thôn mới tại 8 xã của huyện Thanh Trì. Kết quả, cả 8 xã đều đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định thành phố xét công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 trên từng lĩnh vực cụ thể.