Hoàn thành sứ mệnh mở đường, kiến tạo làn sóng chuyển đổi số
Công nghệ và khát vọng phát triển - đôi cánh để Việt Nam bay lên
COVID-19 đã đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số và xâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Để thúc đẩy chuyển đổi số, Bộ TT&TT không chỉ đồng hành mà còn đóng vai trò hỗ trợ và thúc đẩy các địa phương, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp ICT Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng |
Thẳng thắn nhìn lại những thách thức trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “2021 đối với ngành TT&TT là một năm rất đặc biệt. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số (CĐS) là động lực phát triển kinh tế; Khát vọng phát triển vì Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc, tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển có thu nhập cao.
Đôi cánh để Việt Nam bay lên là công nghệ và khát vọng phát triển. Đôi cánh này đều có liên quan và ngành TT&TT đã có một sứ mệnh mới”.
COVID-19 là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số. Năm 2021 đã đẩy toàn đất nước vào chuyển số. Tuy nhiên, hạ tầng, cách làm vẫn là thời công nghệ thông tin. Bởi vậy trong quá trình “dẫn lối, mở đường”, ngành TT&TT cũng đối mặt với muôn vàn khó khăn.
“COVID-19, nhất là biến chủng Delta và đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã đẩy chúng ta khỏi giấy tờ và đối mặt với cuộc sống, với nhu cầu của hàng trăm triệu người dân về chuyển đổi số, về truyền thông. Chúng ta đã có cách tiếp cận đúng đối với các vấn đề lộ ra. Thay vì lo sợ và tìm cách giấu đi hay bao biện thì chúng ta đã chọn cách nhận trách nhiệm và tìm cách giải quyết. Vấn đề lộ ra không ngờ lại là một cơ may hiếm có để ngành ta phát triển.
Đi qua khó khăn và thách thức đã làm cho chúng ta tự tin và quan trọng hơn tất cả là tinh thần sẵn sàng đương đầu với các vấn đề phát sinh, coi đây là động lực cho phát triển. Vượt qua được nỗi sợ bị phê bình, bị chỉ trích có lẽ là thành công lớn nhất năm 2021 của Bộ TT&TT”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Theo báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2021 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) công bố, Việt Nam xếp thứ 47/168 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2020); Trong lĩnh vực An toàn thông tin mạng, Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng quốc tế (GCI), từ vị trí 50 năm 2018 lên vị trí 25 của năm 2020.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai mạc Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2021 |
Năm 2021, doanh thu ngành TT&TT đạt doanh thu 3.462.170 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra, tăng trưởng 9% so với năm 2020. Đây là mức tăng trưởng gấp từ 3,6 - 4,5 lần so với mức dự báo tăng trưởng 2% - 2,5% GDP của quốc gia.
Để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ làn sóng chuyển đổi số trên khắp các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước, trong năm 2022, ngành TT&TT tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Thực hiện tổng kết, đánh giá thi hành Luật Bưu chính năm 2010; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách về chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng bưu chính giữa các doanh nghiệp bưu chính; Xây dựng Thông tư hướng dẫn về Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BTTTT.
Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung xây dựng Cổng dữ liệu bưu chính và cơ sở dữ liệu doanh nghiệp bưu chính; Tiếp tục thúc đẩy việc triển khai chương trình hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử do doanh nghiệp bưu chính Việt Nam sở hữu, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số
Một đất nước muốn hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc thì phải có một giấc mơ lớn. Đại hội lần thứ XIII của Đảng tháng 1/2021 đã nói đến giấc mơ đó. Là khát vọng phát triển đất nước sánh vai cường quốc năm châu: Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá rất cao vai trò của ngành TT&TT trong năm 2021, một năm khó khăn của đất nước khi phải trải qua đại dịch COVID-19: “Chúng ta đã cùng nhau vượt qua năm 2021, vượt qua những khó khăn, trong đó không thể thiếu được sự đóng góp rất quan trọng của ngành TT&TT”.
Phó Thủ tướng nhắc lại, vào những năm 1990 khi chuyển từ công nghệ analogue sang kỹ thuật số (digital), ngành Bưu điện đã được trao sứ mệnh “tiên phong mở đường”.
Hiện nay, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành TT&TT không chỉ tiếp tục sứ mệnh tiên phong mở đường mà còn thêm nhiệm vụ “đồng hành, thúc đẩy” các Bộ ngành, địa phương trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo... cùng nhấn nút khởi động cuộc thi Viet Solutions 2020 do Bộ TT&TT và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel phối hợp tổ chức |
Năm 2021, trong chiến dịch phòng chống COVID-19 nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung, báo chí, truyền thông đã đồng hành cùng Chính phủ, cùng các cơ quan ban, ngành động viên toàn thể Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của các Bộ, ngành và góp lại là chính sách chung của Chính phủ, Đảng và Nhà nước; Kể cả trong những lúc khó khăn nhất trong thời kỳ chống dịch COVID-19 tại TP HCM, niềm tin và sự đồng hành của người dân với các chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Chúng ta đã cơ bản xây dựng được các chiến lược, đề án; Các địa phương đã thấy được những công việc cần phải làm. Chuyển đổi số hay ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ phụ thuộc công nghệ mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: “Chúng ta đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp gồm thuế, hải quan, ngân hàng, đăng ký doanh nghiệp… Trong năm 2022, chúng ta phải làm bằng được cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên, đặc biệt là về đất đai. Ba cơ sở dữ liệu lớn này kết hợp với thanh toán điện tử sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, đưa cả ba trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số) có những bước tiến vững chắc, góp phần phát triển kinh tế xã hội”.