Học sinh Ấn Độ bị buộc đội thùng giấy lên đầu để tránh gian lận thi cử
Nhiều làn sóng chỉ trích hành động bắt học sinh đội thùng giấy lên đầu của trường Đại học Bhagat
Một nhân viên trong trường đã chụp ảnh cho thấy các em học sinh ngồi thành hai hàng gọn gàng và bị buộc đội thùng giấy lên đầu.
Mặt trước của các hộp được khoét hai lỗ để học sinh có thể làm bài nhưng tầm nhìn xung quanh của họ bị hạn chế hoàn toàn. Người đội chỉ có thể nhìn xuống bài kiểm tra của mình, không quay sang các bên hỏi bài người xung quanh.
Người đứng đầu ngành giáo dục bang Karnataka, ông S. Suresh Kumar đã nhận xét đây là một hành động không thể chấp nhận được. Ông Kumar nói: “Không ai có quyền đối xử với các em học sinh như động vật như vậy. Vấn đề này phải được xử lý nghiêm khắc”.
Sau đó, Nhà trường đã phải xin lỗi và có giải trình bằng văn bản.Theo ông M.B. Sateesh, hiệu trưởng nhà trường việc bắt các em học sinh đội thùng giấy lên đầu chỉ nhằm là hạn chế việc quay cóp, gian lận trong thi cử.
Trường Dự bị Đại học Bhagat phải đưa ra lời xin lỗi chính thức vì hành động bắt các sinh viên trong trường đội thùng giấy lên đầu trong kỳ thi |
Ông cũng cho biết việc thử nghiệm này hoàn toàn không bắt buộc, nhà trường đã có thông báo trước cho phụ huynh và chỉ những học sinh có sự chấp thuận của phụ huynh mới được tham gia. Trong số 72 học sinh làm bài kiểm tra giữa kỳ ngày hôm đó, chỉ có 56 người tham gia thử nghiệm đội thùng giấy lên đầu.
“Không có sự ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào. Các học sinh được phép chuẩn bị thùng giấy ở nhà. Một vài em tháo ra không đội nữa sau 15 - 20 phút vì bất tiện và chính chúng tôi cũng yêu cầu cả lớp bỏ ra sau 1 giờ làm bài”, ông Satish chia sẻ.
Trong những năm gần đây, trên khắp Ấn Độ đã xảy ra một số vụ bê bối gian lận thi cử. Một vụ gian lận nghiêm trọng đã xảy ra vào năm 2015. Các bậc phụ huynh tại bang Bihar đã trèo qua các bức tường để đưa tài liệu vào phòng thi cho con em mình.
Trong một nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ, giáo dục là chìa khóa để phần lớn dân số thoát khỏi nghèo đói. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là nhiều sinh viên chịu áp lực nặng nề khi phải vượt qua các kỳ thi bằng mọi giá.
Chính những áp lực này đã khiến nhiều học sinh chọn cách gian lận để vượt qua các kỳ thi và dần mắc các chứng bệnh tâm thần. Hồi đầu năm nay, 19 học sinh ở bang Telangana miền Nam Ấn Độ đã tự kết liễu đời mình sau khi công bố kết quả thi.
Bài liên quan
Nữ nghị sĩ Bangladesh thuê 8 người thi hộ
Uống nhầm thuốc, 17 em bé ở Tây Ban Nha bị mắc hội chứng người sói
Tour du lịch câu rác thải nhựa hút khách