Hội chăn nuôi kiến nghị kiểm soát nhập khẩu để “cứu” giá lợn trong nước
Giá lợn hơi giảm mạnh, thịt lợn bán ngoài chợ và siêu thị vẫn đắt Giá lợn hơi có thể tăng trở lại vào quý III/2021 Giá lợn hơi giảm mạnh sau khi Việt Nam chính thức cho phép nhập khẩu lợn sống |
Hội Chăn nuôi Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất một số giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững.
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam cho, dù quy mô đàn lợn của Việt Nam đứng thứ 6-7, đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới nhưng điều khiến người chăn nuôi đau đầu vẫn là giá lợn hơi, giá gia cầm biến động thất thường, trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng cao.
Hiện cả nước có 2 triệu hộ nuôi lợn, gần 2,2 triệu hộ nuôi trâu bò, 7 triệu hộ nuôi gia cầm và hàng trăm hộ nuôi các loại vật khác. Tuy nhiên, dịch bệnh làm chi phí tăng cao khiến người nuôi gặp khó và phải bán dưới giá thành.
"Chưa bao giờ ngành chăn nuôi Việt Nam đứng trước những khó khăn, thách thức như hiện nay", Hội Chăn nuôi Việt Nam đánh giá và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành và địa phương khẩn trương triển khai một số giải pháp.
Cụ thể, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ cấu và chỉ đạo điều hành sản xuất theo các ngành hàng đối với một số sản phẩm chăn nuôi chính, như thịt lợn, thịt gia cầm, thịt trâu bò, trứng và sữa theo các chuỗi liên kết khép kín phù hợp với tiềm năng, nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.
Người chăn nuôi lao đao vì giá lợn hơi lao dốc |
Đặc biệt, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm.
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện có nhiều mặt hàng sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu đã tăng đột biến trong thời gian gần đây. Trong đó, năm 2020 so với năm 2019 nhập khẩu thịt lợn tăng 404%, thịt gia cầm tăng 15%, thịt trâu bò tăng 44% ... đã gây thêm rất nhiều khó khăn cho sản xuất chăn nuôi trong nước.
"Phần lớn các sản phẩm chăn nuôi trong nước hiện nay đang bán dưới giá thành sản xuất và không tiêu thụ được", Hội Chăn nuôi Việt Nam đánh giá.
Đồng thời, Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động lưu thông và bình ổn thị trường sản phẩm chăn nuôi phù hợp nhằm khuyến khích sản xuất chăn nuôi trong nước phát triển; mở rộng hệ thống cửa hàng, siêu thị thực phẩm mát trên thị trường, ngay cả ở các vùng nông thôn.
Giá lợn hơi xuống đáy, song thịt lợn ngoài chợ vẫn neo cao |
Mặt khác, đại diện do doanh nghiệp ngành chăn nuôi cũng kiến nghị Bộ Công thương đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, trong đó chú ý đến các sản phẩm thịt gia cầm đã qua xử lý nhiệt, đây sẽ là mặt hàng có lợi thế của chăn nuôi trong nước thời gian tới.
Cùng đó, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản xuất chăn nuôi trong nước theo các khung thuế xuất mà Việt Nam đã cam kết trong các hiệp định thương mại.
Trong đó tăng hoặc giữ mức thuế nhập với mặt hàng thịt lợn, thịt gia cầm; giảm thuế nhập khẩu với ngô, đậu tương và điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu một số nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi bổ sung mà trong nước có thể sản xuất được, như: các loại thức ăn khoáng, axit hữu cơ...
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cần đề xuất gói chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất ngành chăn nuôi, trong đó có hạng mục hỗ trợ lãi xuất tín dụng cho người chăn nuôi vay vốn khôi phục và mở rộng sản xuất.
Hơn nữa, Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp và người chăn nuôi vay vốn khôi phục sản xuất, bởi dịch chồng dịch trong suốt 2 năm qua đã làm động lực và sức chịu đựng của hầu hết người chăn nuôi không còn tâm trí và khả năng tái đầu tư.
Kiến nghị trên được đưa ra trong bối cảnh giá lợn hơi trong nước liên tục giảm. Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tháng 9/2021 giá lợn tiếp tục giảm.
Sang đầu tháng 10/2021, giá bình quân đang dao động 40.000-49.000 đồng/kg tùy từng vùng, đặc biệt có một số địa phương do giãn cách xã hội giá xuống dưới 40.000 đồng/kg, lợn thịt quá lứa đang ứ đọng khoảng 30%. Trong khi đó, giá gia cầm sau thời gian chạm đáy đã tăng trở lại nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Đáng nói, dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn trên thị trường vẫn cao. Khảo sát ngày 14/10 tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội cho thấy, thịt lợn ba rọi có giá 150.000-160.000 đồng/kg, nạc đùi 130.000 đồng/kg, nạc dăm 150.000 đồng/kg, sườn già 150.000 đồng/kg, sườn non 200.000 đồng/kg, cốt lết 130.000 đồng/kg...