Hội nhập 4.0 trong công tác giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ TP Hồ Chí Minh
Một cách học lịch sử khác Tín hiệu vui từ việc dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông Độc đáo lớp học Lịch sử tại trường Đại học đầu tiên của Việt Nam |
Phát biểu khai mạc tại toạ đàm “Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh tự hào sử Việt” diễn ra chiều 15/9 tại Hội trường Thành đoàn (Quận 1), đồng chí Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay công tác giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng của Việt Nam chưa hiệu quả, các hình thức truyền đạt lịch sử như phim ảnh, kịch, sách, báo… chưa thu hút được sự quan tâm của giới trẻ.
“Điều này dẫn đến thực trạng có nhiều bạn trẻ bây giờ thuộc lịch sử nước khác hơn là lịch sử Việt Nam”, đồng chí Phan Thị Thanh Phương chia sẻ.
Đồng chí Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch hội sinh viên Việt Nam TP Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo |
Nhằm bắt kịp với thế hệ trẻ 4.0, thế hệ mà “sống công nghệ, học công nghệ, ăn công nghệ” như hiện nay, đồng chí Hoàng Đôn Nhật Tân, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống Thành đoàn đề xuất, Thành đoàn thành phố cần có những thay đổi ngay trong công cuộc hội nhập thời đại mới, tận dụng mọi lợi thế của công nghệ để truyền đạt lịch sử, truyền thống dân tộc đến với các em.
Đồng chí Hoàng Đôn Nhật Tân cũng đưa ra nhiều biện pháp giúp nâng cao hiệu quả giáo dục lịch sử Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc chú trọng sử dụng tư liệu sống động để truyền đạt.
Đồng chí Hoàng Đôn Nhật Tân, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống Thành đoàn phát biểu góp ý về phương pháp giáo dục lịch sử trong thời kỳ 4.0 |
Theo Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống Thành đoàn, Đoàn cần tổ chức các hình thức sinh hoạt truyền thống, sinh hoạt tập thể với nội dung hướng tới giáo dục về lòng yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng, bồi đắp lý tưởng, ước mơ, hoài bão, niềm tin, khát vọng cao đẹp của thanh niên theo lý tưởng của Đảng.
Bên cạnh đó, Đoàn nên sử dụng nhiều tư liệu là những ấn phẩm, phim ảnh, trang mạng xã hội, phòng trưng bày... những minh chứng, dữ liệu lịch sử và truyền thống cách mạng chân thực, sống động có sức thuyết phục và sức hấp dẫn cao so với thông tin khác trên nền tảng số.
Để có thể thực hiện tốt công tác hội nhập 4.0, theo Đồng chí Hoàng Đôn Nhật Tân, quá trình này phải bắt đầu từ những thành viên hoạt động trong Thành đoàn. Các đoàn thể cần nâng cao năng lực truyền đạt, năng lực viết bài trên nền tảng số; Tổ chức sự kiện công chúng đa dạng, luôn theo kịp các xu hướng để từ đó biến tấu những kiến thức lịch sử theo “Trend” dễ tiếp cận đến giới trẻ nhưng không làm biến chất.
Năng lực tư duy lý luận của cán bộ Đoàn cũng cần được chú trọng, phải thường xuyên bồi dưỡng năng lực này để nhận thức đúng và thấu đáo về lịch sử dân tộc và truyền thống cách mạng, đủ bản lĩnh và chứng liệu “truyền lửa” cho đoàn viên, thanh niên.
Đồng chí Hoàng Đôn Nhật Tân cũng lưu ý, nếu phát hiện các luồng tư tưởng gây nhiễu loạn, xuyên tạc, bóp méo lịch sử trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ảnh hưởng đến giới trẻ thì phải có những biện pháp chấn chỉnh ngay.
Các cá nhân nhận giải thưởng hội thi “Tự hào sử Việt” lần VI năm 2022 |
Cũng trong buổi hội thảo, rất nhiều ý kiến khác được các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, quản lý Nhà nước, các em học sinh, sinh viên… nêu ra nhằm cải thiện cách thức truyền đạt lịch sử đến giới trẻ thời đại mới. Trong đó, chủ yếu tập trung vào nâng cao trình độ giảng dạy cho giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh giảng dạy và học tập trên nền tảng số, kết học giảng dạy và học tập với thăm quan trải nghiệm triển lãm, phim ảnh… có tính sử học cao.
Tại hội thảo, nhiều cá nhân, tập thể cũng vinh dự nhận giải thưởng hội thi “Tự hào sử Việt” lần VI năm 2022 do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh và báo Tuổi trẻ, phối hợp tổ chức.