Hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử
Nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử
Tại lớp tập huấn, các học viên đại diện cho các HTX trong tỉnh được truyền đạt những kiến thức cơ bản về năng lực quản lý HTX; Tư vấn, hỗ trợ tiếp cận các chính sách về kinh tế tập thể, tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh cho các thành viên; Kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, năng lực quản lý và tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm hàng hóa dịch vụ gắn với phát triển thương hiệu, marketing, chăm sóc khách hàng, SEO; Mô hình kinh doanh online.
Đồng thời, các học viên trao đổi, đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các HTX trong quá trình hoạt động.
Giảng viên và học viên của các HTX trao đổi thông tin tại lớp tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số. |
Sau khi tham gia các lớp tập huấn, anh Nguyễn Thanh Tuấn, thành viên HTX Leng Su Sìn (xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) đã áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào việc bán hàng trực tuyến, tạo nội dung tương tác và thu hút khách hàng trên mạng xã hội.
Không chỉ qua facebook và zalo, HTX Leng Su Sìn còn bắt đầu làm quen với việc bán hàng qua Google bản đồ và Google doanh nghiệp. Hiện nay, các thành viên của HTX Leng Su Sìn đã dần tiếp cận ứng dụng công nghệ số và coi đây là giải pháp hữu hiệu cho HTX nâng cao hiệu quả kinh tế.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ: "Trước đây, thấy nhiều cá nhân, đơn vị livestream để bán hàng, HTX Leng Su Sìn cũng thử live để quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, do chưa biết cách ứng dụng công nghệ số hiệu quả để thu hút người xem, tăng lượng tương tác, mua hàng nên lượt xem rất ít và chưa tạo được đơn hàng nào trên mạng xã hội".
Đẩy mạnh quảng bá, tìm thị trường tiêu thụ mới thông qua thương mại điện tử
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ, kết nối đầu ra đã mang đến cho nhiều HTX trên địa bàn cơ hội kết nối, tiêu thụ sản phẩm và trở thành giải pháp hữu ích nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhiều sản phẩm nông sản của HTX sản xuất, chế biến kinh doanh nông sản Điện Biên được du khách thập phương ưa chuộng, tin dùng. |
HTX sản xuất, chế biến kinh doanh nông sản Điện Biên (Tổ Dân phố 9, Phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) chuyên sản xuất, kinh doanh các loại bún gạo lứt đỏ, phở lứt ăn liền, bún, phở gạo lứt thông thường...v ới chất lượng thơm ngon, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP, sản phẩm đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao, được người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh lựa chọn tiêu dùng.
Đặc biệt, thời gian qua để tiếp cận khách hàng và người tiêu dùng, ngoài bán hàng theo cách truyền thống, HTX còn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng như: Facebook, Tiktok, Zalo và các khách hàng bán sỉ, bán lẻ. Chính vì vậy, sản phẩm bún, phở gạo lứt của HTX đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố ngoài tỉnh như: Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ...
Theo chị Phan Thị Hạnh Dung, Giám đốc HTX sản xuất chế biến kinh doanh nông sản Điện Biên: “Khi mình đưa các sản phẩm quảng bá lên mạng là khách nhìn thấy luôn và khách sẽ có nhu cầu mua dùng thử. Như trước đây đưa vào các kênh truyền thống mình sẽ phải bán dần dần các chỗ lân cận của mình, khách hàng xa rất khó tiếp cận.
Còn bây giờ, mỗi khi ra mắt sản phẩm mới và quảng bá trên mạng, khách hàng tiếp cận được luôn, thị trường phủ rộng hơn. Đặc biệt, việc bán hàng theo hình thức này không tốn kinh phí khâu trung gian và có nhiều phân khúc khách hàng tại các tỉnh, thành phố lân cận".
Với sự tích cực tuyên truyền, hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh cùng sự nỗ lực của các HTX trong chuyển đổi số, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã trang bị hệ thống máy tính để bàn, laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng kết nối mạng internet.
Một số HTX đã ứng dụng công nghệ thông tin thành công vào hoạt động sản xuất kinh doanh như: Sử dụng chữ ký số và đẩy tờ kê khai thuế, áp dụng công nghệ cao vào hệ thống tưới tự động, hệ thống chăn nuôi khép kín, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, kết nối giữa HTX với khách hàng.
Bên cạnh đó, HTX đã biết cách sử dụng thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và bán hàng bằng facebook, zalo, số ít có sử dụng website; tạo lập các mã QR để truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm bằng các ứng dụng phần mềm. Hiệu quả mang lại là chi phí vận hành giảm, việc tiếp cận khách hàng nhanh hơn, năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng rõ rệt.
Khó khăn hiện nay là còn nhiều HTX, nhất là ở địa bàn vùng cao, vùng xa kiến thức về công nghệ thông tin của người lao động, thành viên HTX còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của HTX lạc hậu, nhiều HTX chưa có máy tính, thiết bị kết nối mạng.
Năng lực, trình độ của cán bộ quản lý còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo. Cùng với đó, năng lực tài chính hạn chế là trở ngại trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất.