Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã
Số lượng, quy mô hợp tác xã không ngừng gia tăng
Hợp tác xã là bộ phận nòng cốt của kinh tế tập thể, có vai trò quan trọng trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xây dựng Nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của hợp tác xã, những năm qua, thành phố Hà Nội đã chú trọng phát triển hợp tác xã trên tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực hoạt động với số lượng, quy mô, chất lượng ngày càng gia tăng và cơ cấu hợp lý, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ số lượng, quy mô hợp tác xã còn nhỏ trong các thành phần kinh tế; Hiệu quả sản xuất - kinh doanh còn hạn chế; Cơ cấu hợp tác xã chưa thực sự hợp lý. Nhận thức rõ thực trạng và có giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm phát triển bền vững hợp tác xã trên địa bàn Thủ đô là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Thực hiện chương trình, kế hoạch của Trung ương về phát triển kinh tế tập thể, thời gian qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã của Hà Nội hoạt động khá ổn định, tiếp tục phát triển theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ. Tổ chức bộ máy, tư cách thành viên đảm bảo theo quy định của Luật hợp tác xã năm 2012.
Các hợp tác xã đã đảm bảo các dịch vụ cho các thành viên, hộ gia đình. Nhiều hợp tác xã đã nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất; Năng suất và hiệu quả được nâng lên.
Hiện nay, số lượng, quy mô hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội không ngừng gia tăng |
Số lượng, quy mô hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội không ngừng gia tăng. Hiện trên địa bàn thành phố có 1.389 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó, có 1.149 hợp tác xã đang hoạt động; 240 hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể.
Theo kết quả đánh giá, năm 2022, có 61,02% hợp tác xã được xếp loại khá và tốt; 34,9% hợp tác xã xếp loại trung bình và 4,06% loại yếu. Trong số các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, toàn thành phố đã hình thành 166 hợp tác xã sản xuất tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 134 hợp tác xã nông nghiệp với 448 sản phẩm được công nhận là OCOP; 80 hợp tác xã nông nghiệp có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 6 hợp tác xã phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn và 4 hợp tác xã phát triển du lịch sinh thái…
Bên cạnh đó, Hà Nội đã hình thành các nhóm hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả theo định hướng phát triển nông nghiệp thành phố như mô hình hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn huyện Chương Mỹ tiêu biểu về chuyển đổi số trong sản xuất rau; Hợp tác xã Hoàng Long huyện Thanh Oai; Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức huyện Gia Lâm; Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng huyện Thanh Trì tiêu biểu trong liên kết tiêu thụ và chuỗi giá trị;… Đây sẽ là những hạt nhân tiên phong trên con đường xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ, nông nghiệp xanh của Thủ đô Hà Nội.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã
Để đầu tư xây dựng nông nghiệp công nghệ cao và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã. Thành phố cũng coi đây là việc làm hiệu quả, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các mô hình kinh tế tập thể, tăng cường liên kết với các đơn vị doanh nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Long Xuyên (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết: Sau khi hợp tác xã được củng cố và kiện toàn Ban Quản trị có năng lực, năng động tìm kiếm thị trường thì cũng đã kết nối được với đơn vị doanh nghiệp hợp tác đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao trồng dưa bao tử trên diện tích 10 ha với hơn 100 thành viên hợp tác xã tham gia.
Cùng với đó, hợp tác xã cũng hoàn thiện cơ chế tự chủ quản lý, xây dựng định hướng tổ chức sản xuất trên cơ sở đồng thuận của các thành viên hợp tác xã, xây dựng thương hiệu và tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm đang là hướng đi đúng, trúng mà đơn vị đã lựa chọn.
Thành phố Hà Nội đang từng bước kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã |
Chia sẻ về cơ cấu hợp tác xã trên địa bà huyện Phúc Thọ, bà Vũ Thị Huệ, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết: Trên địa bàn huyện Phúc Thọ có 50 hợp tác xã, trong đó, 23 hợp tác xã nông nghiệp toàn xã, 27 hợp tác xã chuyên ngành dịch vụ; 43 hợp tác xã đang hoạt động, 7 hợp tác xã ngừng hoạt động.
Trong đó có một số hợp tác xã hoạt động hiệu quả được kể đến như: Hợp tác xã Hát Môn, Ngọc Tảo, Thọ Lộc, Phụng Thượng, Thượng Cốc. Hay một số hợp tác xã đạt hiệu quả cao nhờ làm dịch vụ về điện, chợ dân sinh, dịch vụ mạ khay - máy cấy, nước sạch, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm... Các hợp tác xã trung bình và yếu chủ yếu thực hiện dịch vụ truyền thống.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và trang trại, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội chia sẻ: Phát triển hợp tác xã nông nghiệp đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới. Bởi vậy, Luật Hợp tác xã năm 2023 với nhiều điểm mới so với Luật Hợp tác xã năm 2012 đã thể chế hoá đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới để tạo động lực thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển.
Trong đó bao gồm: Chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; Chính sách đất đai; Chính sách thuế, phí và lệ phí; Chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm; Chính sách ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Chính sách tiếp cận và nghiên cứu thị trường; Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị. Luật Hợp tác xã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.