Hướng phát triển bền vững trong lĩnh vực lưu trú du lịch
Quang cảnh hội thảo |
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 300 hội viên, nhà quản lý, điều hành khách sạn trên toàn quốc, đại diện Hiệp hội Buồng, phòng lưu trú quốc tế đến từ Kuwait, Indonesia, Malaysia, Thái Lan.
Với mục tiêu chung tay phát triển bền vững của ngành khách sạn ở Việt Nam theo tinh thần của Tổ chức Du lịch thế giới và định hướng phát triển của ngành Du lịch Việt Nam, hội thảo “Phát triển bền vững trong lĩnh vực lưu trú du lịch” là dịp để bàn thảo và hiểu đúng về du lịch bền vững; thực trạng phát triển bền vững của hệ thống lưu trú du lịch ở Việt Nam và mục tiêu trong thời gian tới…
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Quang, Chủ tịch Câu lạc bộ Quản lý buồng Việt Nam chia sẻ, theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, hiện cả nước có 41 khách sạn có chứng nhận Khách sạn xanh ASEAN trên tổng số hơn 38.000 cơ sở lưu trú (dưới 0,02% ) là quá ít. Trong khi đầu tư cho khách sạn xanh và bền vững sẽ mang lại rất nhiều giá trị cho chủ đầu tư, người lao động, khách hàng, cho xã hội và cả môi trường sống.
Đây cũng là dịp để phát triển khách sạn một cách bền vững, đảm bảo cân bằng giữa lợi ích của nhà đầu tư với quyền lợi của người lao động; chia sẻ về các giải pháp chuyển đổi xanh của các khách sạn tiêu biểu ở Việt Nam và trên thế giới; giới thiệu sản phẩm mới, công nghệ mới góp phần phát triển xanh và bền vững cho ngành khách sạn ở Việt Nam...
Các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ tại hội thảo |
Các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý mang đến hội thảo những thông tin hữu ích, từ việc hiểu đúng phát triển du lịch bền vững đến việc Chính phủ đã có những hành động thiết thực hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện các tiêu chí về phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ nhiều giải pháp, cách triển khai về phát triển du lịch bền vững như: Kinh nghiệm phát triển khu nghỉ dưỡng của Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử (Quảng Ninh); kinh nghiệm kiến tạo những dịch vụ xanh, công nghệ xanh hướng tới sức khỏe con người và môi trường bền vững ở Khu nghỉ dưỡng Flamingo Cát Bà (Hải Phòng); hơn 200 giải pháp không chỉ góp phần phát triển bền vững mà còn tiết kiệm được hơn 22 tỷ đồng tiền điện, 4 tỷ đồng tiền nước trong vòng 5 năm (2016-2020) của Khách sạn Intercontinental Saigon (TP Hồ Chí Minh)…
Ngoài ra, các đại diện quốc tế trao đổi về các nội dung như: Việc xây dựng kế hoạch chi tiết với các hệ thống quản lý cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững của Malaysia.
Đại diện đến từ Indonesia chia sẻ về thực hành tiêu biểu và rất hiệu quả ở khu nghỉ dưỡng hàng đầu Baili và trên thế giới là St.Regis Bali Resort. Giải pháp phát triển xanh và bền vững tại các khách sạn ở Kuwait và ở Thái Lan khi tăng cường quyền lợi cho nhân viên khách sạn thông qua xu hướng nhân lực quản lý buồng, phòng thuê ngoài…