Huy động, bố trí các nguồn lực xây dựng đô thị tăng trưởng xanh
Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh
Tăng trưởng xanh, bền vững hiện là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mọi quốc gia đang hướng tới. Với Việt Nam, tăng trưởng xanh là lựa chọn tất yếu, là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế của thế giới.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ phê duyệt, khẳng định rõ ràng, tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; Hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Chiến lược đặt ra 3 mục tiêu quan trọng là giảm phát thải, xanh hóa các ngành kinh tế và xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Hà Nội nỗ lực xanh hóa các ngành kinh tế và sản xuất |
Tại Hà Nội, thời gian qua, thành phố đã, đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh với nhiều giải pháp cụ thể. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, Hà Nội hiện đang có nhiều giải pháp ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu bằng những hành động thiết thực. Không chỉ tăng cường trồng hàng triệu cây xanh cho Thủ đô, trong công tác xử lý nước thải, TP Hà Nội đã triển khai nhiều dự án xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn.
Tại các quận, huyện, thị xã, công tác bảo vệ môi trường cũng được triển khai quyết liệt. Điển hình, quận Hoàn Kiếm đã loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trong khu dân cư, tổ chức thu gom vỏ hộp sữa ở 100% trường học; Huyện Đông Anh triển khai có hiệu quả việc xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề và phân loại rác tại nguồn...
Theo kế hoạch, Hà Nội nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2025, lượng phát thải khí nhà kính giảm 12,14% so với mức phát thải năm 2025 khi không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (khoảng 6,68 triệu tấn CO2).
Đến năm 2030, lượng phát thải khí nhà kính giảm 18,71% so với mức phát thải năm 2030 khi không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (khoảng 13,76 triệu tấn CO2).
Thành phố cũng phấn đấu đạt các mục tiêu xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Tỷ lệ gia tăng các sản phẩm được dán nhãn xanh, sinh thái là 15%/năm. Các tòa nhà xây mới đáp ứng tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” năm 2025 là 100%…
Phát triển đô thị theo các chỉ tiêu tăng trưởng xanh
Trong mục tiêu chung về tăng trưởng xanh, Hà Nội chú trọng đến việc phát triển đô thị xanh. Trong các đồ án quy hoạch chung của Hà Nội, tuy nội dung mỗi đồ án có sự khác biệt để phù hợp với từng thời kỳ phát triển của Thủ đô nhưng việc đảm bảo diện tích đất dành cho cây xanh, mặt nước theo quy định là yêu cầu bắt buộc để phê duyệt.
Theo các chuyên gia, đô thị xanh rất phù hợp với đô thị vừa và nhỏ hay các khu đô thị có dân số khoảng 7.000 - 10.000 người, quy mô 40 - 50ha, mật độ từ 160 đến 200 người/ha và có khoảng cách tiếp cận với giao thông công cộng không quá 300m.
Đô thị xanh là tổng thể quy hoạch xây dựng của 3 yếu tố gồm môi trường xanh - kinh tế xanh - xã hội xanh. Khái niệm về đô thị xanh - đô thị sinh thái gắn với xu hướng phát triển bền vững xuất hiện trên thế giới vào những năm 80 của thế kỷ XX, kèm theo đó là các tiêu chí cho đô thị xanh rất cụ thể như: Không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, môi trường xanh, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh cho đến dân cư xanh… Trong mỗi tiêu chí lại được giải nghĩa rất rõ, rất chi tiết các yêu cầu phải thực hiện. Tất cả đều hướng đến môi trường sống tốt đẹp, an toàn và bền vững cho con người.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất thành phố ưu tiên thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh và huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện mục tiêu này.
Trong đó, thành phố rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông đô thị, các chương trình phát triển đô thị có lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh; Lập kế hoạch huy động nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư xây dựng phát triển đô thị tăng trưởng xanh, nâng cao hiệu quả kết nối đô thị - nông thôn; Đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông xanh, xử lý rác thải, nước thải đô thị.
Thành phố cũng cần đầu tư xây dựng, cải tạo các khu dân cư thu nhập thấp; Xây dựng kế hoạch và đầu tư xây dựng không gian công cộng, xanh hóa cảnh quan đô thị; Xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ công trình xanh vào quá trình quy hoạch, thiết kế, thi công công trình.
Bên cạnh đó, thành phố cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và ban hành cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu; Kiểm tra đánh giá việc thực hiện phát triển đô thị tăng trưởng xanh; Đồng thời đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển đô thị tăng trưởng xanh; Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển đô thị tăng trưởng xanh.
Đặc biệt, thành phố đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm, kết nối mạng lưới, đối thoại chính sách về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu; Có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế hỗ trợ để thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh; Kinh phí thực hiện được huy động từ các nguồn tài trợ quốc tế và trong nước, vốn vay ODA, vốn doanh nghiệp, vốn ngân sách và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.