Huy động mọi nguồn lực để xây dựng Nông thôn mới nâng cao
Nỗ lực vượt qua những khó khăn
Năm 2011, khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, xuất phát điểm của huyện Trấn Yên khá thấp, địa bàn rộng và chia cắt, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, trình độ phát triển ở các xã không đồng đều.
Đặc biệt trên địa bàn huyện còn 6 xã và 46 thôn, bản đặc biệt khó khăn, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có 5 thôn, bản có 100% đồng bào là dân tộc Mông. Thu nhập của người dân ở mức thấp, phong tục, tập quán và trình độ sản xuất còn lạc hậu, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.
Nỗ lực vượt qua những thử thách đó, năm 2019 huyện Trấn Yên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái và khu vực Tây Bắc đạt chuẩn Nông thôn mới. Trong đó có 6/21 xã và 46/190 thôn, bản thuộc diện đặc biệt đã nỗ lực vượt bậc đạt chuẩn Nông thôn mới bền vững.
Nhờ sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền và Nhân dân, bộ mặt nông thôn và đời sống kinh tế của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt. Cảnh quan môi trường nông thôn thay đổi tích cực từ vùng thấp đến vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Diện mạo vùng quê Nông thôn mới huyện Trấn Yên ngày càng khởi sắc |
Không “ngủ quên” trên chiến thắng, phát huy những thành quả đã đạt được, huyện Trấn Yên tiếp tục tập trung thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí bằng việc xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao, xã Nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng mô hình Nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến nay, Trấn Yên đã có 40 thôn đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thành cơ bản các tiêu chí xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao, xã Nông thôn mới kiểu mẫu ở 5 xã. Trong đó, xã Đào Thịnh đã được công nhận xã Nông thôn mới nâng cao trong năm 2020, tạo ra phong trào thi đua sâu rộng và sôi nổi trong cộng đồng khu dân cư trong thực hiện và nâng cao chất lượng xây dựng Nông thôn mới.
Hiện nay 100% các tuyến đường từ huyện đến xã, đường liên xã, liên thôn, đường từ xã xuống thôn được kiên cố hóa; 80% tuyến đường ngõ, xóm đã được cứng hóa, tất cả các tuyến đường nội đồng, đường vào khu sản xuất được mở mới và nâng cấp đảm bảo đi lại thuận tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, huyện Trấn Yên đã nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất nông nghiệp.
Nếu như vài năm về trước, có tới 90% số hộ đồng bào Mông ở thôn Khe Ron, xã Hồng Ca phải nhận gạo cứu đói, hạ tầng cơ sở nghèo nàn, tình trạng sinh con thứ 3 luôn ở mức cao nhất huyện thì nay nhờ triển khai hiệu quả các dự án, chương trình hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu như: Chương trình 134, 135, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất… Khe Ron đã hình thành được vùng trồng quế gần 300 ha; Vùng trồng tre Bát độ hơn 100 ha; Các tuyến đường giao thông liên thôn, trục thôn, đường ngõ xóm được bê tông hóa gần 100%; Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 38 triệu đồng/năm.
Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí Nông thôn mới
Ông Trần Đông, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên (Yên Bái) cho biết: Trong tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, địa phương đã tập trung thực hiện đồng bộ các các giải pháp từ công tác quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả; Đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, địa phương đã xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn với các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của huyện với khối lượng lớn và có giá trị theo nhu cầu của thị trường.
Giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 1.400 tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đơn cử như dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng dâu - nuôi tằm và chế biến kén tằm, thực hiện ở 10 xã trong vùng trồng dâu nuôi tằm của huyện, tổ chức liên kết với 10 hợp tác xã và 97 tổ hợp tác với tổng số gần 800 thành viên tham gia, xây dựng mối liên kết tiêu thụ sản phẩm kén tằm. Giá trị thu nhập trung bình đạt từ 220 - 250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với sản xuất lúa từ 2,5 đến 3 lần so với không liên kết.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân huyện Trấn yên ngày càng được nâng cao |
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, năm 2021 huyện Trấn Yên phấn đấu giảm 0,54%, tương ứng với 130 hộ. Để hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo năm 2021, Huyện ủy Trấn Yên đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên quan tâm, hỗ trợ người dân tộc thiểu số chủ động thay đổi tập quán sản xuất, vươn lên thoát nghèo từ các loại cây trồng chủ lực.
Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Trấn Yên tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo, phát triển nhanh kinh tế - xã hội các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh.
Trong năm 2022, huyện phấn đấu xây dựng 2 xã Việt Thành và Minh Quán hoàn thành các tiêu chí xã Nông thôn mới kiểu mẫu; 4 xã hoàn thành các tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao gồm: Báo Đáp, Y Can, Hưng Thịnh, Minh Quân.
Ngoài ra, các xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và Nông thôn mới kiểu mẫu từ các năm trước tiếp tục tổ chức rà soát, duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí, chỉ tiêu, phấn đấu đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới nâng cao và Nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn mới 2021 - 2025.
Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Trấn Yên xác định tiếp tục huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của Nhân dân, tạo nên sự chuyển động mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực để thực hiện tốt các tiêu chí ở các địa phương.
Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn xây dựng Nông thôn mới, thúc đẩy các phong trào thi đua sôi nổi trong xây dựng vườn mẫu, hộ gia đình kiểu mẫu, hoàn thiện hạ tầng Nông thôn mới.