Huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến chống ma túy, phá bỏ cây thuốc phiện
Tà Tổng là cái tên mỗi khi nhắc đến, ai cũng nghĩ tới sự xa ngái của vùng đất nơi cuối trời Tây Bắc. Xã miền núi đèo mây, hút gió của huyện Mường Tè đã trải qua bao thăng trầm. Vùng đất từng được coi là "vựa" thuốc phiện khi xưa đã đẩy bao gia đình người dân tộc Mông sống trong cảnh khốn cùng.
Hành trình phá bỏ cây anh túc ở đây đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Đại úy Lý Phùy Chóng, Trưởng Công an xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã chia sẻ với báo chí về công tác tuyên truyền vận động bà con xã Tà Tổng chung tay cùng lực lượng công an phá bỏ cây thuốc phiện, đẩy lùi tệ nạn ma tuý.
Đại úy Lý Phùy Chóng tuyên truyền vận động bà con xã Tà Tổng chung tay cùng lực lượng công an đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, không trồng cây thuốc phiện. Ảnh: Phương Lan |
PV: Xin ông cho biết tác hại của ma tuý, thuốc phiện đối với cuộc sống người dân xã Tà Tổng?
Đại úy Lý Phùy Chóng: Người dân nơi đây có thời điểm gieo trồng đến hàng trăm nghìn mét vuông cây thuốc phiện. Người nghiện ma tuý có thời điểm lên đến hơn 500 người. Bà con lao động sản xuất rất vất vả.
Tỷ lệ người nghiện trên địa bàn còn cao. Nếu không xóa bỏ được tình trạng trồng cây thuốc phiện hoặc không giảm được số lượng người nghiện ở trên địa bàn thì chúng tôi rất trăn trở. Bởi vì, ma túy không chỉ tác động đối với bản thân người nghiện mà thậm chí con nghiện còn rủ rê, lôi kéo cả con em của chúng ta, ngay cả con em cán bộ cũng có. Chúng tôi cũng cố gắng tham mưu cho chính quyền xã có giải pháp cụ thể, quyết liệt.
Cây anh túc cũng được treo trên mái nhà hay gác bếp của không ít hộ người Mông ở bản Nậm Dính, Nậm Ngà… Bà con tích trữ cả hạt giống cây thuốc phiện để dành cho mùa gieo năm sau. Tập quán này xuất phát từ việc, đồng bào ở đây từ xa xưa đã tin rằng, thân, hoa và nhựa của cây thuốc phiện là một loại “thần dược”, đem ngâm rượu uống có thể chữa được nhiều bệnh như viêm khớp, đau bụng kinh niên, viêm tá tràng... Sử dụng nhiều thành quen và người dân đã bị lệ thuộc từ đó.
PV: Để thực hiện việc xóa bỏ cây thuốc phiện, theo ông cần thực hiện đồng bộ các giải pháp ra sao?
Đại úy Lý Phùy Chóng: Khi được điều động về giữ chức vụ Trưởng Công an xã, tôi đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có những chương trình hành động, có kế hoạch cụ thể và tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của huyện có những kế sách áp dụng hợp lý, phù hợp với đặc thù của từng bản. Thứ hai, những đối tượng nghiện hoặc lén lút tái trồng cây thuốc phiện, chúng tôi bằng các biện pháp nghiệp vụ ngoài tuyên truyền ra đã bắt giữ một số đối tượng, xử lý trước pháp luật để răn đe không tái trồng cây thuốc phiện.
Bên cạnh những đợt phá nhổ cây thuốc phiện, lực lượng chức năng cũng bắt giữ hàng chục đối tượng mua bán trái phép chất ma tuý, thu giữ hàng chục kg thuốc phiện, phá nhổ hàng trăm ngàn mét vuông diện tích trồng cây thuốc phiện; vận động thành lập các mô hình “Dòng họ tự quản”, “Cụm giáp ranh đảm bảo ANTT”, thu giữ hàng trăm khẩu súng tự chế, vận động hàng nghìn hộ cam kết không trồng và tái trồng cây thuốc phiện…
PV: Xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu trước đây là một trong những điểm nóng về cây thuốc phiện. Xin ông cho biết những khó khăn về công tác phòng, chống tác hại ma tuý, tuyên truyền người dân phá bỏ cây thuốc phiện?
Đại úy Lý Phùy Chóng: Khi lực lượng chức năng ra quân phá nhổ, nhiều hộ lại vào rừng sâu, hiểm trở hay nơi giáp ranh giữa xã với các địa bàn lân cận tái trồng cây thuốc phiện để tự đáp ứng những cơn nghiện của bản thân và các thành viên trong gia đình.
Chính vì vậy, ngay sau khi được phân công công tác tại Đồn, tôi xác định, phải xóa bỏ bằng được ma túy trên địa bàn xã mới ngăn chặn được nguồn cung và giảm các loại tội phạm liên quan đến ma túy.
Việc làm đầu tiên là tôi cùng cán bộ chiến sỹ công an đến từng bản điều tra, rà soát lại hộ nghiện để có biện pháp kiểm soát, giúp đỡ cắt cơn, cai nghiện. Tuyên truyền vận động để bà con chung tay cùng lực lượng công an xóa bỏ cây thuốc phiện trên địa bàn. Sau hơn 1 tháng trời rà soát, cả xã có hơn 200 người nghiện ma túy.
Những hộ có người sử dụng ma túy hầu hết là hộ nghèo, đời sống đặc biệt khó khăn. Điều đáng nói là trong số những người nghiện ở xã Tà Tổng có rất nhiều người là phụ nữ.
Vì nhiều lý do, hoàn cảnh gia đình, vì cám dỗ, vì “của nhà trồng được” mà họ trở thành người nghiện. Nhưng họ đều có điểm chung là biến mình thành nô lệ của khói thuốc trắng.
Với trách nhiệm và sự chân thành, đã tôi cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng dân tộc với bà con. Từ đó, tuyên truyền vận động bà con tác hại của ma túy - chỉ có thể từ bỏ ma túy mới có cơ hội làm lại cuộc đời…
Cuối năm 2014, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện triển khai cơ sở cấp phát thuốc thay thế methadone cho người nghiện tại Trạm Y tế xã. Sẵn có danh sách người nghiện vừa thống kê, tôi lại đến từng nhà, từng đối tượng vận động họ đi cai nghiện.
Nhiều người ban đầu còn e ngại và không tin tưởng, nhưng sau khi nghe anh giải thích, thấy các bạn mình đã kiểm soát được ma túy, sức khỏe dần ổn định và có thể chăm lo phát triển kinh tế gia đình, họ đã làm theo.
Trong gần 200 người nghiện ở xã thì có hơn 100 người nghiện tham gia điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế methadone. Các bệnh nhân tham gia cai nghiện đều đã được tư vấn kỹ lưỡng cũng như thấm thía tác hại của việc “nghiện ngập”, cho nên đều tuân thủ đúng nguyên tắc của việc sử dụng thuốc. Hiệu quả sau dùng methadone rất rõ rệt, chỉ từ 1 - 2 tuần uống thuốc đều đặn hầu hết số người nghiện đã giảm liều, nhiều người mới nghiện thuốc phiện vài năm thì dừng hẳn.
Năm 2017, tôi nhận được thông tin từ người dân về nương thuốc phiện được trồng trên núi cao Là Pù, Là Lai (thuộc khu vực bản Cao Chải). Bà con làm nương và sử dụng thuốc phiện tại chỗ.
Tôi xác định, dù đường xa, khó đi đến mấy cũng phải triệt phá bằng được để không còn những nỗi buồn đau mang tên ma túy. Gần 2 ngày trời đi bộ, khi đến được nương thuốc phiện, tôi cùng đồng đội tiếp cận tuyên truyền về tác hại của ma túy và khuyên nhủ các gia đình nên nhổ cây thuốc phiện để trồng cây khác, nhưng không phải ai cũng đồng ý ngay, có hộ còn chống cự đến cùng.
Với sự kiên trì bám bản, vừa tuyên truyền, giải thích, vừa áp dụng các biện pháp nghiệp vụ… tôi đã cùng đồng đội xóa bỏ toàn bộ 55.200m2 diện tích cây thuốc phiện trên địa bàn bản. Đến nay, trên địa bàn xã hầu như không còn cây thuốc phiện, tỷ lệ người nghiện cũng giảm đáng kể. Tà Tổng cơ bản ra khỏi xã trọng điểm về ma túy.
Ngoài sự nỗ lực của lực lượng chức năng, mỗi thành tích trên đều có sự đóng góp to lớn của bà con. Nhờ Nhân dân chủ động phối hợp, cung cấp những nguồn thông tin giá trị đã giúp đơn vị rút ngắn hành trình thoát khỏi địa bàn ma túy, tạo những bước chuyển cơ bản, tiến tới xóa đói giảm nghèo.
PV: Sau một thời gian các địa phương quyết liệt thực hiện xóa bỏ cây thuốc phiện (cây anh túc) thì nhiều nơi vẫn xuất hiện tình trạng người dân tái trồng cây thuốc phiện. Để người dân bỏ cây thuốc phiện và thay bằng các loại cây trồng khác đem lại giá trị kinh tế cao, ông đã triển khai các biện pháp như thế nào?
Đại úy Lý Phùy Chóng: Trên những nương rẫy dốc, đồng bào Mông vốn chỉ quen trồng cây thuốc phiện hoặc bỏ hoang diện tích này. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở đã vào cuộc, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm xóa bỏ tình trạng trồng cây thuốc phiện nơi đây.
Đại úy Lý Phùy Chóng thăm hỏi, tặng quà các hộ khó khăn, gia đình chính sách trong xã (Ảnh: Phương Lan) |
Công an về bản vận động bà con từng bước từ bỏ thói quen này, làm đất, tra hạt, gặt hái cùng bà con. Hàng chục héc ta lúa nương đang vào vụ thu hoạch đã thay thế những nương thuốc phiện ngày nào. Sự thay đổi này gắn với chặng đường gần 10 năm cắm bản của tôi.
Giờ đây, những nương thuốc phiện đã nhường chỗ cho những nương lúa, bãi ngô. Thành công từ chủ trương đúng đắn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từng bước đưa Tà Tổng “sáng dần lên”.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại úy Lý Phùy Chóng!