Huyện Gia Lâm: Đổi mới, sáng tạo trong công tác chuyển đổi số
Triển khai đồng bộ, có hiệu quả
Đoàn công tác khảo sát thực tế tại Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính của Thị trấn Trâu Quỳ |
Đoàn công tác khảo sát thực tế tại Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính huyện Gia Lâm |
Báo cáo tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn huyện Gia Lâm, đồng chí Trương Văn Học, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: Tính đến nay, bộ phận một cửa huyện và 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện được trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện tiếp nhận và giải quyết 53.100 hồ sơ thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt 17,6%; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả đúng hạn/trước hạn; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết và số hoá hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Hà Nội.
Đồng chí Trương Văn Học, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm báo cáo tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số |
100% cơ quan chuyên môn, đơn vị, UBND xã, thị trấn; cán bộ công chức, viên chức từ huyện đến xã, thị trấn được cấp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Các phòng chuyên môn thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn ứng dụng chữ ký số trong việc trao đổi văn bản điện tử qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp.
Về phát triển kinh tế số, huyện Gia Lâm đã chủ động, tích cực triển khai hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, UBND chỉ đạo Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao thực hiện các bước để triển khai Dự án nâng cấp đài truyền thanh các xã, thị trấn sang đài truyền thanh ứng dựng công nghệ thông tin - viễn thông tại 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Huyện đã rà soát các vị trí đề xuất lắp đặt 24 bảng tin điện tử công cộng trên địa bàn phục vụ công tác tuyên truyền thông tin thiết yếu tới người dân và các nhiệm vụ chính trị của đất nước, Thủ đô và huyện. UBND huyện đang giao các phòng, đơn vị chuyên môn hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án “Số hoá các di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng và các di sản văn hoá phi vật thể, làng nghề truyền thống; xây dựng hệ thống thông tin giới thiệu quảng bá phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm”.
Toàn cảnh hội nghị |
Về lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, huyện đã triển khai xây dựng phần mềm Thư viện điện tử - Thư viện số tại các nhà trường. Huyện cũng thực hiện thí điểm Học bạ số tại 100% các trường Tiểu học và Trung học cơ sở. Đối với lĩnh vực Y tế, huyện đã triển khai thí điểm hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn huyện theo chỉ đạo của UBND thành phố. Tính đến ngày 31/5/2024, có 265.249 người dân được tạo hồ sơ sức khoẻ điện tử. Số hồ sơ đã chuẩn hóa: 265.237 hồ sơ (đạt 99,99%). Số hồ sơ cần xác minh lại: 9 hồ sơ (0,003%). Số hồ sơ chưa chuẩn hóa: 3 hồ sơ (0,01%).
Đặc biệt, UBND huyện đã triển khai thực hiện đợt cao điểm truyền thông về chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện. Hiện toàn huyện Gia Lâm đã có 9.424/9.431 đối tượng thực hiện đăng ký tài khoản, đạt 99,93% đối tượng đủ điều kiện mở tài khoản, còn 57 trường hợp hưởng chính sách an sinh xã hội chưa đăng ký tài khoản, trong đó có 50 trường hợp thuộc diện bất khả kháng do ốm đau, bệnh tật, không đi lại được hoặc nằm bệnh viện hoặc đang đi vắng không ở tại địa phương… và 7 đối tượng chưa thống nhất đăng ký tài khoản.
Đồng chí Đặng Thị Huyền, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm phát biểu tại hội nghị |
Cần có cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao
Cùng với đẩy mạnh triển khai chính quyền số và phát triển kinh tế số, huyện Gia Lâm cũng không ngừng đẩy mạnh công tác phát triển xã hội số. Theo đó, huyện đã triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng giảm giá máy điện thoại di động 4G, giá cước đối với các đối tượng là hộ cận nghèo chưa có điện thoại thông minh và cấp chữ ký số cho người dân trên địa bàn huyện Gia Lâm năm 2024 theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.
Huyện cũng phối hợp với Công ty Cổ phần FPT triển khai chính sách hỗ trợ lắp đặt wifi miễn phí tại 20 nhà văn hoá, điểm sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn huyện. Năm 2024 ưu tiên triển khai tại 3 xã xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu (Đa Tốn, Văn Đức và Yên Thường), xã Dương Xá - xã triển khai mô hình xã Nông thôn mới thông minh của thành phố và TDP Thành Trung - nơi triển khai mô hình “Tổ dân phố Số” trên địa bàn huyện.
Đồng chí Nguyễn Việt Hà, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Việt Hà, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm cho biết: Thời gian qua, huyện Gia Lâm đã bám sát các tiêu chí đánh giá của thành phố trong công tác chuyển đổi số. Trong đó, cấp huyện, xã đã tập trung tuyên truyền, tạo môi trường, vận động Nhân dân triển khai chuyển đổi số trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Để công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện được triển khai có hiệu quả, đồng chí cũng đề xuất,thành phố tiếp tục quan tâm, hỗ trợ chính sách đặc thù thu hút nhân lực chuyên môn chất lượng cao để tham mưu triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Cùng với đó cần sớm ban hành các quy định cụ thể hóa Luật Viễn thông sửa đổi năm 2023 (có hiệu lực từ 01/7/2024) và tiếp tục phê duyệt quy hoạch các vị trí xây dựng trạm BTS trên địa bàn thành phố nói chung, huyện Gia Lâm nói riêng...
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cùng đại diện các đơn vị chức năng Sở đã giải đáp những vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị huyện tiếp tục phát huy lợi thế, tập trung tạo dựng cơ sở dữ liệu cấp huyện, đầu tư thêm cho công nghệ thông tin trong thực hiện chuyển đổi số; tiến tới xây dựng trung tâm điều hành thông minh của huyện; xây dựng hạ tầng hiện đại, ứng dụng công nghệ số cung cấp cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị |
Đặc biệt, huyện Gia Lâm cần đẩy mạnh triển khai xây dựng bản đồ số hoá các di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng và các di sản văn hoá phi vật thể, làng nghề truyền thống; xây dựng hệ thống thông tin giới thiệu quảng bá phát triển du lịch trên địa bàn; xây dựng cơ sở dữ liệu các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện... nhằm quản lý, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn huyện Gia Lâm.
* Trước buổi làm việc, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông và đồng chí Đặng Thị Huyền, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm dẫn đầu đã đi khảo sát thực tế tại Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính của xã Đặng Xá, Thị trấn Trâu Quỳ và huyện Gia Lâm.