Quảng Ninh: Chuyển đổi số - “chìa khóa” mở ra thành công
Liên tục dẫn đầu về các chỉ số
Ngày 30/5/2024, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá chuyên sâu Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI).
Với những nỗ lực, đồng hành của các cấp chính quyền, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, năm 2023 tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận khi các chỉ số PAR-Index, SIPAS, PCI, PGI tiếp tục dẫn đầu toàn quốc; năm thứ 7 liên tiếp dẫn đầu Chỉ số PCI; năm thứ 6 dẫn đầu Chỉ số PAR-Index; năm thứ 5 liên tiếp dẫn đầu Chỉ số SIPAS và năm đầu tiên dẫn đầu Chỉ số PGI.
Xác định việc chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện “5 bước tại chỗ”, “5 bước trên môi trường điện tử” thông qua hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.
Cán bộ Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính |
Quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” bao gồm: Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số cơ quan, trả kết quả gắn với áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết. Việc giải quyết thủ tục hành chính theo quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” gắn với áp dụng chữ ký số không chỉ giúp giảm chi phí, thời gian giao dịch, tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính mà còn tạo sự công khai, minh bạch trong cơ chế kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực.
Với mục tiêu rõ ràng, cụ thể, tới nay, công tác chuyển đổi số của tỉnh Quảng Ninh đã được triển khai đồng bộ đạt hiệu quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, việc chuyển đổi số toàn diện đã có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu và hành động đồng bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đều đã tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh xác định việc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn, cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của tỉnh.
“Chìa khóa” giúp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đứng trong nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chỉ số đánh giá chuyển đổi số, trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh. Trong đó, 100% cơ quan Nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất bảo đảm kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; 100% công việc ở cả 3 cấp từ tỉnh đến xã phải được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử; 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được ký số và trả cho người dân trên môi trường số; 100% người dân có định danh số và mỗi gia đình đều có địa chỉ số, hạ tầng mạng cáp quang băng rộng đến hộ gia đình đạt 50%...
Để duy trì được thứ hạng cao đã đạt được trong những năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã luôn nhìn thẳng và phân tích những điểm chưa đạt, còn hạn chế trong kết quả xếp hạng của năm trước đó, để đưa ra những giải pháp sát thực nhất. Tại Hội nghị Phân tích chuyên sâu chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh, Quảng Ninh đã chỉ ra những điểm yếu cần khắc phục trong năm 2023.
Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh |
Trong năm 2023, chỉ số PAR INDEX đạt được 92,18 điểm, cao hơn giá trị trung bình chỉ số cải cách hành chính của các tỉnh trong toàn quốc là 5,2% (điểm giá trị trung bình của tỉnh trong trong toàn quốc đạt 86,98%). Đây là kết quả cao nhất của tỉnh Quảng Ninh đạt được so với 9 năm trở lại đây (năm 2015 đạt 90,23 điểm; năm 2016 đạt 80,66 điểm; năm 2017 đạt 89,45 điểm; năm 2018 đạt 89,06 điểm; năm 2020 đạt 91,04 điểm; năm 2021 đạt 91,14 điểm; năm 2022 đạt 90,10 điểm và năm 2023 đạt 92,18 điểm).
Xác định việc chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, là “chìa khóa” giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực. Cụ thể, toàn tỉnh đã đưa 908 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 73,3%) và 332 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 26,7%). Đồng thời, tỉnh cung cấp nội dung chi tiết, xây dựng quy trình giải quyết nội bộ cập nhật lên hệ thống Một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh cũng tích hợp, kết nối lên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.240 dịch vụ công trực tuyến, tài khoản thanh toán trực tuyến của Trung tâm Hành chính công cấp huyện và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp xã.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng hợp từ hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh và các phần mềm chuyên ngành, số hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến của cấp tỉnh là 45.425 hồ sơ (đạt 82,4% tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023); cấp huyện là 124.261 hồ sơ (đạt 77,6% tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2023); cấp xã là 60.690 hồ sơ (đạt 98,4% tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023).
Một góc thành phố Hạ Long |
Nói về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy bày tỏ: Mặc dù đã đạt được những kết quả nổi bật nhưng tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém cần khắc phục cũng như vẫn còn những dư địa để đổi mới sáng tạo. Vì vậy, để hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ và khắc phục tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, khuyến nghị của các chuyên gia để cụ thể hóa bằng các giải pháp trong chương trình hành động của mỗi đơn vị.
Phương châm lấy con người làm trung tâm, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp đang là nước đi đúng đắn để Quảng Ninh thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ ban hành kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các Sở, ngành, địa phương, triển khai đồng bộ, quyết liệt bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao, giữ vững thứ hạng các Chỉ số PAR-Index, SIPAS, PCI, PGI của tỉnh trong năm 2024 theo đúng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra…