Huyện Mỹ Xuyên sau 10 năm chung sức xây dựng nông thôn mới
Cây lúa trên đất nuôi tôm ở Mỹ Xuyên giờ phát triển lên tầm cao mới với giống lúa đặc sản ST24 sản xuất theo quy trình hữu cơ
Bài liên quan
Thị xã Ngã Năm: Hành trình 10 năm xây dựng và hoàn thành nông thôn mới
Nông thôn mới là chương trình hợp lòng dân nên được nhân dân đồng tình hưởng ứng cao
Phấn đấu đến cuối năm 2020 U Minh sẽ trở thành huyện nông thôn mới
Nông thôn mới, diện mạo mới, sức sống mới
Nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp
Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đến thời điểm hiện tại đã cơ bản hoàn thiện, toàn bộ đường trục xã, liên xã đã được bê tông cứng hóa, đáp ứng 100% nhu cầu vận chuyển hàng hóa và dân sinh. Đầu năm 2019, huyện tiếp tục chỉ đạo 8/10 xã triển khai xây dựng tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, các xã tập trung nâng cấp đường liên ấp, ngõ xóm (theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm), khu dân cư tập trung có hệ thống đèn chiếu sáng; trồng cây xanh, hoa, xây hàng rào hai bên đường và sạch đường sạch ngõ.
Bên cạnh hệ thống đường giao thông, các tuyến kênh trục chính, kênh sườn trên địa bàn huyện đều được thông tuyến và đấu nối với các hệ thống sông chính (tạo nguồn) phù hợp với quy hoạch phục vụ tốt cho sản xuất cả tôm lẫn lúa và dân sinh. Ngành điện cũng đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống truyền tải điện đến tất cả các xã, ấp, đảm bảo cho các hộ dân trên địa bàn huyện được và mắc điện kế phục vụ sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh của nhân dân, không còn tình trạng vi phạm câu đuôi sau đồng hồ điện. hiện toàn huyện có 10/10 xã có tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn, đạt trên 98% và tăng 3,7% so với năm 2011. Tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đạt trên 60%.
Đặc biệt, toàn huyện hiện không còn nhà tạm, còn số hộ có nhà đạt chuẩn theo quy định là 37.080 căn, đạt 94,18%; tăng 78,18 % so với năm 2011. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn huyện đạt 99,5% (trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 55,5%, tăng 4,95% so với năm 2015). Huyện thường xuyên, phát động phong trào xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường nông thôn.
Giá trị, hiệu quả sản xuất ngày càng cao
Khi các điều kiện về cơ sở hạ tầng được đầu tư đã thúc đẩy sản xuất ngày càng phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững và luôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, huyện đã chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn và định hướng chuyển đổi sản xuất theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn liền với tiêu thụ các mặt hàng chủ lực như: mô hình tôm - lúa, bò sữa, bò lai sind, màu theo hướng an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
Hợp tác, liên kết phát triển bò sữa là một trong những chương trình rất thành công của huyện Mỹ Xuyên |
Ông Đặng Văn Phương – Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Mỹ Xuyên, phấn khởi cho biết: “Qua gần 10 năm tập trung chỉ đạo sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của huyện đã đạt 165 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2011, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân khu vực nông thôn”.
Nói đến hiệu quả sản xuất của huyện Mỹ Xuyên không thể không nói đến vai trò của công tác tổ chức sản xuất. Các HTX thủy sản liên kết đầu vào (giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản) và liên kết tiêu thụ sản phẩm, như: HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, HTX tôm – lúa Hòa Đê... Các THT chăn nuôi bò sữa của xã Tham Đôn, Đại Tâm và Thạnh Phú thực hiện liên kết tiêu thụ sản lượng sữa bò với Công ty Cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk với lợi nhuận bình quân là 30.000 đồng/con/ngày (7.100.000 đồng/con/năm)...
Đánh giá về công tác này, ông Đặng Văn Phương cho biết thêm: “Nhìn chung các HTX, THT hoạt động khá tốt, có 10/10 xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của địa phương. Sự hoạt động có hiệu quả của các HTX, THT không chỉ gia tăng hiệu quả sản xuất, mà còn là cầu nối giữa doanh nghiệp và thành viên tạo thành liên kết theo chuỗi giá trị, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giảm chi phí và tăng thu nhập cho nông dân”.
Phát huy nội lực và truyền thống anh hùng
Khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, huyện Mỹ Xuyên có 10 xã và 1 thị trấn; trong đó, có 6 xã thuộc vùng căn cứ kháng chiến, là vùng xa xôi cách trở, mỗi năm có 2 mùa ngọt, lợ đan xen và 4 xã vùng ngoài với phần đông là đồng bào dân tộc Khmer. Chỉ nhìn vào những điều kiện đặc thù trên cũng đủ thấy xuất phát điểm của Mỹ Xuyên là khá thấp và điều đó được minh chứng qua con số ở giai đoạn khởi đầu này, như: tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 27,84%; thu nhập bình quân đầu người 12 triệu đồng/người/năm; chỉ có 2 xã đạt từ 9-10 tiêu chí, các xã còn lại đạt dưới 6 tiêu chí. Tuy nhiên, chỉ sau gần 10 năm chung sức xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của huyện đã có sự thay đổi rõ rệt, cả về cơ sở hạ tầng thiết yếu lẫn đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Năm nay tôm nuôi trúng mùa, trúng giá giúp tăng thu nhập và góp phần đưa 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới |
Lý giải cho thành công trên, ông Đặng Văn Phương cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là nhờ huyện tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Ông Phương đúc kết: “Khi bắt tay thực hiện chương trình, Đảng bộ, chính quyền huyện Mỹ Xuyên xác định công việc đầu tiên phải làm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm cho người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình nhằm phát huy nội lực và truyền thống anh hùng của quê hương Nam kỳ khởi nghĩa”. Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền cùng với đó là việc phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2019 và phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nên sau 10 năm, 10/10 xã của huyện đều đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và huyện phấn đấu đến năm 2020 đạt chuẩn huyện nông thôn mới, đồng thời có 3 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng. Từ đó, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 42,5 triệu đồng vào năm 2018, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo từ 25,84% năm 2011 xuống còn 3,95% cuối năm 2018; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 40%, tăng 19% so với năm 2011; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chiếm 92,9%...