Huyện Thanh Trì bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Ấn tượng liên hoan múa dân gian
Những năm gần đây, huyện Thanh Trì đặc biệt quan tâm khôi phục các điệu múa dân gian như múa rồng, múa sư tử, múa sênh tiền, múa chạy cờ...
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hoa, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao Thanh Trì, huyện đã xác định phát triển văn hóa gắn với du lịch tâm linh, đồng thời đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể như múa bồng, múa rồng, múa lân, múa sênh tiền và các lễ hội truyền thống địa phương để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Vì vậy, việc tổ chức liên hoan các điệu múa dân gian huyện Thanh Trì năm 2022 vừa qua là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn tinh hoa nghệ thuật các thể loại múa dân gian của dân tộc nói chung, của người dân Thanh Trì nói riêng.
Trước đó, đầu tháng 10 vừa qua, huyện Thanh Trì tổ chức Liên hoan các điệu múa dân gian huyện Thanh Trì năm 2022 với sự tham gia của 48 đội thi đến từ 16 xã thị trấn tranh tài ở 3 nội dung: Múa rồng, múa sư tử và múa sênh tiền.
Múa sênh tiền |
16 đội thi thể hiện nội dung múa rồng, múa sư tử và sênh tiền. Với sự tập luyện kỹ lưỡng, chuẩn bị chu đáo từ hình rồng múa, trang phục biểu diễn, âm nhạc, trống, thanh la... Các tiết mục múa sư tử khớp với nhịp điệu của trống và tiếng thanh la, các động tác dứt khoát của những nam thanh niên có sức khỏe đảm nhiệm với các động tác nâng đỡ, nhảy nhịp phối hợp nhuần nhuyễn đã mang đến cho khán giả những tiết mục mãn nhãn. Các đơn vị đã mang đến cho người xem các tiết mục đặc sắc, ấn tượng.
Em Chử Tuấn Ninh - thành viên đội múa rồng xã Tứ Hiệp chia sẻ: “ Ngay khi có kế hoạch của UBND huyện, đội chúng em đã lên kế hoạch để tập luyện, đội toàn người trẻ nên mọi người rất phấn khởi khi được tham gia Liên hoan, tích cực luyện tập trong nhiều ngày để mang đến liên hoan tiết mục trình diễn hoàn hảo nhất, tạo không khí hào hứng cho Nhân dân. Đây cũng là sân chơi lành mạnh cho anh em thanh niên, tăng sự đoàn kết, đẩy lùi các tệ nạn xã hội".
Các đội thi với nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó có những bé gái còn đang là học sinh, đến những cô gái đã trưởng thành hay những cụ bà đã lớn tuổi nhưng đều có nét chung đó là mùa hoà quyện trong điệu múa sênh tiền tạo ra những phần thi độc đáo riêng có ở địa phương mình. Các phần thi đều được ban giám khảo và đông đảo khán giả đánh giá cao.
Chị Nguyễn Thị Thảo Nhung - khán giả đến từ xã Thanh Liệt, cho biết: “Sau 2 năm phải tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thì vừa rồi tôi được xem những màn biểu diễn múa dân gian ở Thanh Trì. Đây là một chương trình rất hay và ý nghĩa, không chỉ giải trí về mặt tinh thần mà còn giáo dục các thế hệ trẻ sau này hãy gìn giữ và phát huy những điệu múa cổ của cha ông để lại.
Những giá trị không đong đếm được
Được biết, huyện Thanh Trì là địa phương duy nhất của thành phố Hà Nội xây dựng đề án "Hỗ trợ đầu tư khôi phục và phát triển các điệu múa cổ, múa dân gian trên địa bàn huyện". Với đầy đủ ý nghĩa lịch sử, thể hiện thế giới quan của con người, đặc biệt là những quan niệm trong đời sống tâm linh, các điệu múa cổ, múa dân gian ở Thanh Trì thực sự đã mang đến cho đời sống tinh thần ở xã hội hiện đại những giá trị văn hoá của đất nghìn năm văn hiến không gì có thể đong đếm được.
Thực tế, múa cổ Hà Nội nói chung, múa cổ, múa dân gian ở Thanh Trì nói riêng gắn với đời sống tinh thần của người dân, là giá trị văn hóa của đất văn hiến nghìn năm. Khi xem các điệu múa cổ, từ cách biểu hiện, kiểu cách, màu sắc trang phục, đạo cụ, đặc biệt là ngôn ngữ, đều mang cảm giác gần gũi, thân thiện. Ngoài yếu tố phục vụ cho tín ngưỡng, múa cổ còn có tính trình diễn, thẩm mỹ cao.
Múa rồng |
Nghệ sỹ Nhân dân Ứng Duy Thịnh khẳng định: “Các điệu múa cổ mang ý nghĩa giáo dục con người vươn tới cái đẹp, cái thiện. Việc bảo tồn và phát huy múa cổ Hà Nội không chỉ là nhằm bảo tồn nghệ thuật múa dân gian, mà còn có ý nghĩa tích cực đối với con người trong đời sống đương đại".
Đó cũng là chia sẻ của chị Vũ Thị Kim Oanh, đội trưởng đội múa sênh tiền thôn Đồng Trì: “Tiết mục múa sênh tiền của thôn được mời biểu diễn ở nhiều lễ hội, liên hoan văn nghệ của thôn, xã, huyện và được Nhân dân yêu thích".
Ở huyện Thanh Trì, thôn Cổ Điển A luôn dẫn đầu xã Tứ Hiệp về mọi hoạt động văn hóa, thể thao. Đại diện thôn, ông Chu Văn Khởi cho biết: "Điểm nhấn của thôn Cổ Điển A chính là điệu múa rồng truyền thống. Thôn đã duy trì đội múa rồng suốt nhiều năm qua để gìn giữ điệu múa truyền thống của cha ông. Việc tập luyện được tổ chức thường xuyên song song với việc tổ chức một đội múa rồng “nhí” nhằm truyền dạy nghệ thuật múa rồng truyền thống cho các thế hệ kế tiếp".