Hy hữu cựu giảng viên kiện đòi trường bồi thường 20 tỷ đồng
Bản án sơ thẩm số 01/2021/LĐ-ST do TAND thành phố Long Xuyên xét xử ngày 7/1/2021. Nội dung “tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải; Bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế”. Vụ án được khởi kiện từ năm 2017.
Ông Lê Văn Ngọc với hồ sơ khởi kiện |
Theo trình bày tại phiên sơ thẩm, ông Ngọc về Trường Chính trị Tôn Đức Thắng giữa năm 1995, làm giảng viên bộ môn Nhà nước và pháp luật. Quá trình làm việc ông Giàu được nhận nhiều khen thưởng nhưng ngày 1/10/2008, ông bị buộc thôi dạy lớp mở ở huyện. Từ ngày 1/4/2009, ông thôi dạy tại trường, cả hai lần đều bằng lệnh miệng mà không có quyết định.
Cũng từ đó, ông vẫn đến trường nhưng không được bố trí làm việc, lương giảm 50% và bị cắt hết các chế độ của giảng viên. Năm 2014, ông bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Ngày 25/5/2015, Hiệu trưởng Trường Chính trị ra Quyết định số 141/QĐ.TCT.TĐT cho ông thôi việc. Thời điểm đó, ông Ngọc đang bị bệnh nặng, giám định kết luận sức khỏe của ông giảm 62%.
Đơn khởi kiện của ông Ngọc yêu cầu tòa tuyên hủy Quyết định số 141/QĐ.TCT.TĐT ngày 25/5/2015 “vì sa thải người lao động trái pháp luật” và buộc trường nhận ông “trở lại làm việc” cùng bồi thường cho ông 20 tỷ đồng.
Ông Ngọc liệt kê hơn chục khoản tiền cho rằng bị thiệt hại từ năm 2008. Trong đó, các khoản tiền lớn là thu nhập thực tế bị giảm 1,2 tỷ đồng; Mất thu nhập từ giảng dạy gần 1,3 tỷ đồng; Tiền lương giảm khi ở trường và tiền lương từ ngày bị buộc thôi việc đến ngày xử sơ thẩm gần 1,8 tỷ đồng; Tổn thất tinh thần 2 tỷ đồng.
Đại diện Trường Chính trị tại tòa cho rằng, căn cứ Điều 29, Luật Viên chức, trường cho ông Ngọc thôi việc “là phù hợp và có sự chiếu cố mà không phải ra quyết định sa thải”. Lý do chính là ông Ngọc bị kỷ luật nên năm 2013 không được xếp loại và năm 2014 không hoàn thành nhiệm vụ.
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, tỉnh An Giang |
Bản án sơ thẩm nhận định: “Ngọc cho rằng trường không thành lập hội đồng xét kỷ luật đối với ông và theo trình tự được Bộ luật Lao động quy định. Tuy nhiên, ông Ngọc là đối tượng được điều chỉnh theo Luật Viên chức và trình tự được thực hiện theo quy định của Luật Viên chức. Do vậy, trường ban hành cho ông Ngọc thôi việc mặc dù theo quy định là buộc thôi việc là có lợi cho viên chức như ông Ngọc. Sau khi nghỉ việc theo Quyết định số 141/QĐ.TCT.TĐT ngày 25/5/2015 của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng thì ông Ngọc sẽ nhận được các chế độ và hưởng lương hưu theo quy định”.
Luật sư của ông Ngọc phát biểu tại tòa, quyết định trái quy định của pháp luật thì đề nghị tòa tuyên vô hiệu và “khôi phục các quyền lợi của ông Ngọc như những viên chức khác”. Bản án sơ thẩm lập luận, quyết định cho thôi việc chưa phù hợp nhưng có lợi cho ông Ngọc; Từ ngày 1/9/2015, ông Ngọc đã hưởng chế độ hưu trí hằng tháng nên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Ngọc. Tòa chỉ tuyên “Trường Chính trị Tôn Đức Thắng có trách nhiệm chi trả chế độ thôi việc cho ông Lê Văn Ngọc số tiền 97.416.270 đồng”.
Ông Ngọc kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng “áp dụng không đúng quy định của Luật Viên chức, pháp luật lao động và hệ thống pháp luật khác”, đề nghị cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm, chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của ông.
Nguyên nhân sâu xa của vụ kiện là ông Ngọc tham gia yêu cầu làm rõ tiêu cực của lãnh đạo Trường Chính trị Tôn Đức Thắng. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang đã vào cuộc “kiểm tra dấu hiệu vi phạm” và tháng 11/2011 có kết luận: Giai đoạn 2005 - 2010, trường để ngoài sổ sách trên 2,76 tỷ đồng; Bên cạnh đó, bổ nhiệm nhiều người không có bằng tốt nghiệp cấp 3 làm cán bộ. Vì vậy, Đảng ủy trường bị kỷ luật khiển khách, còn Hiệu trưởng bị cảnh cáo.
Trong quá trình đấu tranh, năm 2009, ông Ngọc bị trường kỷ luật cảnh cáo, sau nâng lên khai trừ Đảng và tháng 4/2015, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét khiếu nại của ông Ngọc đã hạ về cảnh cáo. Cũng là giai đoạn ông Ngọc không được giảng dạy, bị cho thôi việc.