"iHaNoi" - Thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân
Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh tại các bệnh viện Hà Nội tháo gỡ "điểm nghẽn", đẩy mạnh phát triển kinh tế số Công bố vận hành một số ứng dụng nền tảng của Đề án 06 |
Tương tác trực tiếp với chính quyền nhanh chóng
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của người dân, doanh nghiệp, công tác chuyển đổi số tại thành phố Hà Nội đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị.
Người dân tìm hiểu mô hình chuyển đổi số trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội |
Tinh thần chuyển đổi số không chỉ “nằm trên giấy” mà đã và đang đi vào cuộc sống, được hiện thực hóa ở nhiều dịch vụ công, dịch vụ công ích, nhiều công đoạn trong giải quyết thủ tục hành chính. Nhờ đó, nhiều giấy tờ đã được bãi bỏ, cắt giảm thủ tục và chi phí, giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt..., góp phần tạo chuyển biến tích cực đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp, tiết kiệm được thời gian, chi phí cho xã hội và cả nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc giải quyết thủ tục hành chính gắn kết với chuyển đổi số theo phương châm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ vẫn còn một số “điểm nghẽn”. Thực tế này làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và mức độ đánh giá hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của thành phố.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại trên, UBND thành phố Hà Nội sẽ vận hành một số ứng dụng nền tảng của Đề án 06 Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, dự kiến ngày 28/6, UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức Lễ công bố vận hành các ứng dụng nền tảng của Đề án 06 Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm: Công dân Thủ đô số (iHaNoi); Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội trên ứng dụng VNeID; Cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; Hệ thống Thông tin phục vụ họp và Xử lý công việc (E-Cabinet) tích hợp với phòng họp thông minh.
Trong đó, ứng dụng Công dân Thủ đô số iHaNoi sẽ giúp người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tuyến với các cấp cơ quan chính quyền tại Hà Nội với các tính năng nổi bật của ứng dụng như phản ánh hiện trường (gửi phản ánh từ nhiều lĩnh vực tới chính quyền), từ đó giúp chính quyền nắm bắt được những vấn đề của người dân và giải quyết, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn thành phố ngày một tốt hơn; phản ánh thủ tục hành chính (gửi phản ánh các vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính, dịch vụ công)…
Giao diện ứng dụng "Công dân Thủ đô số" |
Doanh nghiệp, tổ chức có thể gửi các kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố để được trả lời, giải quyết kịp thời.
Cùng với đó, người dân có thể tạo và gửi phiếu đăng ký tiếp dân trực tuyến thay vì đến cơ quan chính quyền để đăng ký. Ngoài ra, tại mục “Thông tin cảnh báo” sẽ cập nhật các thông báo, thông tin mới nhất, chính thống từ chính quyền.
Đây là những nỗ lực trong đẩy mạnh xây dựng nền tảng xã hội, mở các kênh tương tác trực tiếp giữa các cấp chính quyền thành phố với người dân, doanh nghiệp trên môi trường số; toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Thủ đô.
Cần để người dùng thấy ứng dụng "live"
Thông tin ra mắt ứng dụng Công dân Thủ đô số iHaNoi, ngay lập tức nhận được sự quan tâm, kỳ vọng lớn của người dân và doanh nghiệp. Anh Nguyễn Văn Toản, Giám đốc Công ty TNHH Home, chuyên về bất động sản, đánh giá: "Đây là một ứng dụng hay, hỗ trợ gỡ rối những vấn đề khúc mắc doanh nghiệp đang gặp hiện nay. Chúng tôi thường có những vướng mắc liên quan đến thuế, đăng kí kinh doanh, thương hiệu bản quyền… Nếu qua ứng dụng, các vấn đề doanh nghiệp phản ánh được giải đáp hợp tình, hợp lý, đáp ứng được tính thời điểm thì thực sự rất hữu ích".
Chị Hồ Thị Phương Anh, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại dịch vụ Viên Minh |
Chị Hồ Thị Phương Anh, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại dịch vụ Viên Minh hồ hởi chia sẻ, nếu doanh nghiệp được phản ánh, tương tác trực tiếp với cơ quan chính quyền qua ứng dụng trực tuyến sẽ vừa thuận tiện, tiết kiệm thời gian đi lại và thông tin được minh bạch hơn. Chị cũng lưu ý các ý kiến phản ánh cần được phản hồi, từ đó người dân, doanh nghiệp mới hào hứng, tích cực tham gia.
Anh Phạm Hoàng Long, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu và Thương mại Minh Châu chia sẻ: "Nếu triển khai thành công ứng dụng này đúng như kỳ vọng thì đây sẽ là kênh tương tác thiết thực giữa chính quyền và doanh nghiệp, góp phần hoàn thiện hơn hệ thống quản lý. Qua sự tương tác này giúp cải thiện chất lượng hành chính công, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn. |
Đồng quan điểm, anh Trần Văn Đồng, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp truyền thông cho rằng: “Khi triển khai, chúng ta cần quan tâm về tính tương tác, làm sao để người dùng thấy ứng dụng đó "live", tức là tôi gửi phản ánh lên thì ngay lập tức tôi được trả lại một phản hồi, giúp tôi yên tâm rằng ý kiến của tôi sẽ được lắng nghe và sẽ có câu trả lời thiện chí trong nay mai. Ít nhất thì bấm vào app, giao diện đã thấy có yếu tố tức thời ở một số phần”.
Ghi nhận những chuyển biến tích cực về công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số của thành phố thời gian qua, cô Trần Thị Thu Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) đánh giá, với những nỗ lực liên tục đổi mới sáng tạo, cùng sự hỗ trợ từ công nghệ thì sự kết nối giữa chính quyền với người dân sẽ có sự thông suốt hơn.
“Sự sáng tạo của thành phố khi triển khai ứng dụng Công dân Thủ đô số rất đáng ghi nhận. Qua ứng dụng này, chúng tôi có thể phản ánh trực tiếp những vấn đề dân sinh bức xúc như đổ rác bừa bãi, vi phạm trật tự đô thị, vi phạm giao thông… Đây có thể sẽ trở thành “mắt thần” của thành phố, nếu triển khai thực hiện tốt”, cô Hiền nhận định.
Cùng với các ứng dụng khác mà thành phố đã triển khai, ứng dụng Công dân Thủ đô số sẽ góp phần hoàn thiện các nền tảng số, giúp phủ sóng các dịch vụ chuyển đổi số đến từng người dân, doanh nghiệp, tạo sự thuận lợi hơn nữa trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời thúc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số toàn diện trên mọi lĩnh vực của thành phố Hà Nội.