ILO cảnh báo khủng hoảng việc làm nghiêm trọng do dịch Covid-19
Việc làm bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, đặc biệt là đối với ngành du lịch (Ảnh: Reuters)
Giám đốc Cục các hoạt động ngành nghề của ILO, bà Alette van Leur cho rằng vấn đề việc làm đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Theo dự báo, dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới trong một thời gian dài.
Cuộc khủng hoảng do dịch bệnh đang tác động nặng nề đối với cả người lao động và người sử dụng lao động, gây hậu quả lớn đối với cả ngành sản xuất lẫn việc làm trong tất cả các lĩnh vực.
Trước đó, theo báo cáo của ILO, đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ cướp đi 6,7% tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trong quý hai năm 2020, tương đương với 195 triệu việc làm toàn thời gian.
Những khu vực chịu tác động nghiêm trọng dự kiến là các nước Ả Rập (mất 8,1% số giờ làm việc, tương đương 5 triệu người lao động toàn thời gian), Châu Âu (7,8%, tức 12 triệu người lao động toàn thời gian) và Châu Á - Thái Bình Dương (7,2%, tương đương 125 triệu lao động toàn thời gian).
Các quốc gia đều chịu tổn thất nặng nề nhưng các nước có thu nhập trung bình cao bị tác động mạnh nhất (mất 7% tổng số giờ làm việc, tương đương 100 triệu người lao động toàn thời gian).
Tại Mỹ, quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới đã khiến ít nhất 22 triệu người đệ đơn xin chế độ dành cho người thất nghiệp trong tháng qua.
Theo dự báo của Hiệp hội Kinh tế kinh doanh quốc gia Mỹ (NABE) ước tính, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ ở mức gần 10% vào cuối năm 2020 và 6% trong năm 2021 do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hà Lan đã tăng vọt 42% trong tháng 3 sau khi nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Đại học Thương mại Thái Lan nhận định đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này hơn bất cứ sự kiện nào trong vòng 60 năm qua, với GDP dự báo sẽ giảm 4% và 10 triệu người mất việc làm.
Bài liên quan
Thị trường tốt nhưng chất lượng việc làm lại là một thách thức
Công ước 159: Đảm bảo quyền lợi cho lao động yếu thế
Bất bình đẳng thu nhập toàn cầu gia tăng nhanh chóng
Liên hợp quốc: 80 triệu việc làm sẽ biến mất vào năm 2030