Khả năng nợ mất vốn tăng cao và việc dồn dập gọi vốn từ trái phiếu của MSB
Nợ xấu của MSB xấp xỉ 2.000 tỷ đồng
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, theo báo cáo tài chính quý I/2022 của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), trong quý đầu năm, hoạt động chính của nhà băng này tăng trưởng so với cùng kỳ khi thu về hơn 1.964 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MSB cũng tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 337 tỷ đồng; Lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 246 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước nhờ tăng thu từ kinh doanh ngoại tệ và vàng cũng như thu từ công cụ tài chính phái sinh tiền tệ.
Đáng chú ý, trong quý I/2022, MSB đã giảm đến 16% chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ, chỉ còn trích gần 171 tỷ đồng.
Kết quả, MSB báo lãi trước thuế tăng 30%, đạt gần 1.495 tỷ đồng. Năm 2022, nhà băng này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng đã thực hiện được 22% chỉ tiêu sau quý đầu năm.
Tính đến cuối tháng 3/2022, tổng tài sản MSB giảm 4% so với đầu năm, chỉ còn gần 195.741 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 9%, ghi nhận gần 110.579 tỷ đồng trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng nhẹ 2% lên mức gần 96.204 tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng là 1.735 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) |
Cũng tại thời điểm cuối tháng 3/2022, tổng nợ xấu của MSB tăng 12% so với đầu năm, ghi nhận ở mức hơn 1.977 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng có khả năng mất vốn tăng 16% lên mức 1.104 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 17% lên 548 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,74% đầu năm lên 1,79%.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, dư nợ cho vay khách hàng của MSB cũng nằm nhiều ở khoản mục ngành xây dựng (13.622 tỷ đồng), chiếm 12,32% tổng dư nợ; Bất động sản và cơ sở hạ tầng (11.162 tỷ đồng), chiếm 10,09%; Chứng khoán 5.404 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là nhóm ngành "nhạy cảm" được Ngân hàng Nhà nước xếp vào nhóm rủi ro.
Mặt khác, con số nợ xấu thực tế của MSB có thể còn nhiều hơn mức 1.977 tỷ đồng, bởi các thông tư giãn nợ, hoãn nợ của Ngân hàng Nhà nước cho khách hàng đến 30/6/2022 đang giúp các ngân hàng cơ cấu các khoản nợ mà chưa xếp vào khoản nợ xấu.
Dồn dập huy động vốn từ trái phiếu riêng lẻ
Theo tìm hiểu của phóng viên, MSB là ngân hàng do đại gia Trần Anh Tuấn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Tuấn có vợ là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam.
Hai vợ chồng ông Tuấn bà Hương là doanh nhân có tiếng, khi sở hữu hệ sinh thái các doanh nghiệp ngành ngân hàng và bất động sản quy mô lớn tại Việt Nam.
Hai vợ chồng ông Trần Anh Tuấn và bà guyễn Thị Nguyệt Hường là doanh nhân có tiếng, khi sở hữu hệ sinh thái các doanh nghiệp ngành ngân hàng và bất động sản quy mô lớn tại Việt Nam |
Trở lại với MSB, theo dữ liệu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ tháng 5/2021 đến cuối tháng 4/2022, ngân hàng này đã 6 lần phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị lên tới 6.000 tỷ đồng.
Thực tế, hiện nay, ngoài việc huy động vốn bằng chính sách tín dụng thì các ngân hàng cũng tăng cường gọi vốn từ kênh trái phiếu riêng lẻ.
Nguyên nhân khiến các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu riêng lẻ được cho là do nhu cầu tăng vốn trung, dài hạn và tăng vốn cấp hai để đảm bảo yêu cầu an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng nào dư thừa tỷ lệ an toàn vốn, thì có thể đầu tư vào trái phiếu tăng vốn cấp 2 của ngân hàng khác, dẫn đến việc mua chéo trái phiếu lẫn nhau.
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, việc ngân hàng mua chéo trái phiếu lẫn nhau có thể là do một số ngân hàng đang thừa vốn, khó tăng trưởng cho vay, nên tìm đến các kênh đầu tư khác, trong đó có trái phiếu.
Đồng thời, tăng vốn vẫn là nhu cầu thường trực của các ngân hàng hiện nay, khi vốn chủ sở hữu của các ngân hàng đa phần còn mỏng, tín dụng tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu khiến tỷ lệ an toàn vốn luôn trong tình trạng cần gia cố.
Mặt khác, từ năm 2020 đến nay, việc áp dụng giãn, hoãn trả nợ cho khách hàng theo chính sách của Ngân hàng Nhà nước khiến một lượng lớn dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp không về ngân hàng (đáng lẽ đến kỳ trả nợ nhưng doanh nghiệp được ngân hàng giãn nợ). Điều này khiến một phần vốn của ngân hàng bị thiếu hụt và phải tăng phát hành trái phiếu riêng lẻ để bù đắp.
Các chính sách giãn, hoãn nợ khiến nhiều ngân hàng đang chịu áp lực thanh khoản khá lớn và phải nâng lãi suất huy động lên khá cao.
Một số chuyên gia nhận định, việc ngân hàng bán chéo trái phiếu cho nhau, bên cạnh nhu cầu thực của một số ngân hàng thừa vốn, thì có sự thỏa thuận ngầm của một số ngân hàng để giúp nhau hạ chi phí vốn, tăng nguồn vốn trung, dài hạn. Giải pháp này giúp các ngân hàng đảm được tỷ lệ an toàn vốn, song cũng sẽ khiến bức tranh về quy mô vốn trung, dài hạn của một số tổ chức tín dụng trở nên thiếu thực chất.
Mặt khác, việc các ngân hàng bán chéo trái phiếu cho nhau cũng khiến vốn chảy lòng vòng trong hệ thống tài chính và đến tay nhà đầu tư cá nhân, không đi vào được sản xuất, kinh doanh.
Ngày 7/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Công điện số 304 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, để bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn, phát triển bền vững và hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tuân thủ quy định pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định, an toàn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biễn thị trường tài chính, tiền tệ, các hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, công bố thông tin và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng: Khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng... theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Thủ tướng cũng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành, đầu tư, phân phối… trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các trái phiếu phát hành của doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm… |