Khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó với bão số 4 Podul
Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp ứng phó với bão số 4
Bài liên quan
Chủ động phòng chống thiên tai bằng khoa học công nghệ
Cảnh báo xuất hiện nhiều hình thế thời tiết nguy hiểm
Hậu quả từ việc phát triển kinh tế thiếu bền vững
Chủ động ứng phó trước cơn bão Bailu
Bão có khả năng mạnh thêm
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13h00 ngày 28/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Dự báo, trong 24 giờ tới, bão di chuyển hướng Tây (25km/h) và có khả năng mạnh thêm. Dự kiến đêm 30/8 bão sẽ đổ bộ vào bờ. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: phía Bắc vĩ tuyến 150 VB.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài trình bày phương án ứng phó với bão số 4 |
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển hướng Tây Tây Bắc (15km/h) và có khả năng mạnh thêm. Dự báo, tối 30/8, bão có khả năng đổ bộ vào khu vực ven biển Bắc Trung Bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế và khu vực Nam Đồng bằng Bắc Bộ; hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Các địa phương cần đề phòng nguy cơ cao xảy lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng thấp, trũng và ven biển.
Chủ động các phương án ứng phó
Để hạn chế thiệt hại, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão.
Cụ thể, đối với trên biển, các địa phương cần tập trung rà soát, kiểm đếm phương tiện, tàu thuyền. Thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển, tránh trú an toàn (kể cả đối với các tàu vận tải và du lịch).
Căn cứ diễn biến của bão, tình hình cụ thể tại địa phương quyết định thời điểm và tổ chức thực hiện việc cấm biển theo quy định (đối với các tàu vận tải lớn thực hiện theo quy định của ngành giao thông vận tải) và thông báo cho phép hoạt động trở lại đối với tàu thuyền và phương tiện hoạt động trên biển; Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú; Tổ chức, hướng dẫn di chuyển, gia cố bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp |
Đối với khu vực ven biển, đồng bằng, đô thị, các địa phương cần rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên đảo và ven biển; kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là trên các tuyến đường ven biển, cầu vượt biển để bảo đảm an toàn trong thời gian bão đổ bộ vào.
Đặc biệt, các địa phương cần triển khai phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng; bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, công trình cột tháp cao; bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê biển bị sự cố, công trình đang thi công; đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện. Các đơn vị cũng phải bảo đảm thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời sự cố. Chủ động chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Đối với khu vực miền núi, trung du, cần rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn. Chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tổ chức kiểm tra, triển khai biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công, sửa chữa và hồ thủy điện nhỏ. Bên cạnh đó, các địa phương cần nhanh chóng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Ngoài ra, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cần tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện vận tải; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ lợi, đê điều,…
Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, vận hành, bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện, hệ thống điện, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản. Bộ Xây dựng chỉ đạo bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, các công trình cao tầng, công trình cột tháp cao,… Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ kịp thời dự báo, cung cấp thông tin đến người dân và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó. Các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các địa phương triển khai ứng phó và sẵn sàng hỗ trợ địa phương xử lý, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
* Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019