Khi bệnh viện cũng là ngôi nhà ấm áp
Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã đỡ đẻ thành công cho sản phụ sinh con lần 3 bị nhiễm Covid-19 |
Tương trợ lẫn nhau
Đón con về nhà, chị Nhã (Hà Đông, Hà Nội) thực sự mình cảm nhận được niềm vui nhân ba. Vui vì gia đình mình đón thêm thành viên mới, mẹ tròn con vuông, cuộc vượt cạn thành công tốt đẹp một phần, vui vì cảm nhận được sự yêu thương, đùm bọc của mọi người xung quanh với nhau. Bên cạnh đó, chồng chị cũng thay đổi rõ rệt.
Đây là lần thứ hai chị Nhã sinh con. Đứa đầu đi đẻ cách đây mấy năm, lúc đó chưa có dịch bệnh như thế này, lại được ông bà nội ngoại cùng các bác “tiền hô hậu ủng” rầm rộ thay phiên nhau chăm sóc “con đầu cháu sớm” nên chị khá nhàn. Đến đứa này, nhà nội bận việc, ông ngoại sức khỏe kém, chỉ có bà ngoại kịp thời đón lên Hà Nội khi nới lỏng giãn cách.
Bà thì phải ở nhà để trông đứa lớn. Chồng chị theo vợ vào viện bởi còn nhiều thứ phải lo như thủ tục, thanh toán… cần người nhanh nhẹn khỏe mạnh. Ban đầu, chị vững dạ lắm, vì mình đã có kinh nghiệm rồi. Ai ngờ, đến lúc vào viện mới thấy hoảng.
Chồng chị chưa bao giờ biết pha sữa, bế con. Lúc chị ra khỏi phòng mổ, nằm phòng hậu phẫu mấy tiếng đồng hồ, một mình anh Thanh “đánh vật” với thằng bé con. Anh bế thế nào cũng thấy ngượng, chỉ sợ lọt tay, lại còn lóng ngóng xoay ngược xoay xuôi toát mồ hôi không biết sữa đã pha đúng tỉ lệ chưa, nóng lạnh ra sao.
![]() |
Những ngày trong bệnh viện mọi người cùng giúp đỡ, chia sẻ với nhau cách chăm sóc trẻ em (Ảnh minh họa) |
Rất may, trong phòng có bà Tâm ở Long Biên chăm con dâu đẻ được một ngày. Bà Tâm là giáo viên về hưu, sức khỏe còn tốt lại nhanh nhẹn, thạo việc trông trẻ. Thế là trong phòng những việc vặt như lấy nước nóng, mua cơm cháo cho người nhà và sản phụ, chạy đi thanh toán tiền nong thì anh Thanh đảm nhiệm. Còn lại, bà Tâm hai tay hai cháu, xoay như chong chóng, hết cho đứa này ăn lại thay bỉm cho đứa kia.
Ban đêm anh Thanh ngủ gà ngủ gật bên giường, chị Nhã và con dâu bà Tâm đau đớn rên la sau khi hết thuốc giảm đau thì bà Tâm thức trắng ru vỗ cho ăn, dỗ dành hai đứa trẻ con. Chỉ trong một, hai ngày mà sáu người cả già lẫn trẻ trở nên thân thiết với nhau. Không chỉ chăm cháu, bà Tâm còn giúp cả hai chị em lúc vệ sinh, dìu tập đi lại khi rảnh rỗi.
Bà cũng liên tục phổ biến thêm kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ và sản phụ sau sinh cho anh Thanh. Ban đầu anh cứ tưởng đi đẻ đơn giản như lần trước, anh chẳng phải mó vào việc gì, giờ mới biết đón một đứa trẻ ra đời bận rộn, vất vả, mệt mỏi như thế nào. Đến khi con dâu được ra viện, bà Tâm “bàn giao” lại con cho anh, anh đã biết thay bỉm, pha sữa cho con để giúp đỡ vợ.
Chị Nhã tâm sự, nếu không có sự giúp đỡ của bà Tâm thì mình không biết phải làm sao. Vì đẻ mổ, cơ thể rất mệt mỏi và đau, chị không thể bế con, dậy cho con ăn ngay được. Trở về nhà, anh Thanh thấu hiểu ra nhiều điều, tự giác làm giúp bao nhiêu việc nhà. Chị Nhã và bà Tâm cùng con dâu bà cũng thường xuyên liên lạc, kể với nhau chuyện hai đứa nhỏ, chia sẻ với nhau kinh nghiệm nuôi dạy con cùng nhiều điều khác trong cuộc sống. Tự nhiên họ đã coi nhau như người thân thiết trong nhà.
Sẻ chia cho vơi bớt nỗi lo
Chị Huyền (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng kể những ngày chăm bố bị bệnh nặng trong bệnh viện Bạch Mai chị thực sự cảm nhận được phòng bệnh như ngôi nhà thứ hai, rất ấm áp và sẻ chia. Ai vào đến đây cũng đều có người nhà bị bệnh hoặc mang trên mình bệnh tật, ngoài sự lo lắng về sức khỏe, tính mạng thì còn biết bao hoàn cảnh, thân phận khác ảnh hưởng tới họ nữa.
May mắn kinh tế khá giả nhưng chưa lập gia đình, nhà chỉ còn một bố một con, chị Huyền cũng khá chật vật khi vừa chăm bố vừa phải làm việc online. Những người cùng phòng đã giúp chị nhiều việc như nhận thuốc hộ, lấy cơm, mua giúp những vật dụng cần thiết những lúc chị phải ngồi làm việc.
![]() |
Các suất ăn được trao đến cho người lao động, người khó khăn trên địa bàn thủ đô đến ngày Hà Nội thực hiện xong giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (Ảnh: Thành đoàn Hà Nội) |
Có khi hết tiền mặt, chị không kịp đi rút, người nhà bệnh nhân trong phòng cũng sẵn sàng đưa tiền mặt để chị kịp thời chi tiêu rồi chị chuyển khoản cho họ sau. Chị cứ nhớ mãi hoàn cảnh một bà mẹ đơn thân, nhà đã neo người kinh tế lại eo hẹp. Khi cả người bệnh và người nhà trong phòng đều có nhiều đồ ăn, thức uống để bồi dưỡng, động viên, mời nhau ăn để có sức khỏe, sớm được về nhà thì chị này một mình ngồi trong một góc, trông rất cô đơn và tội nghiệp.
Chị Huyền phải rất nhiều lần giả vờ nói rằng mình lỡ tay mua nhiều hoa quả bánh trái quá, không ăn thì hỏng mất, nhờ chị ăn hộ thì chị ấy mới ngượng ngập nhận. Đến khi bệnh viện thông báo đóng thêm tiền điều trị, chị Huyền thấy chị ấy gọi điện đi khắp nơi vay tiền nên đã chủ động đứng ra quyên góp trong phòng mỗi người một ít. Bản thân chị cũng tặng nửa tháng lương của mình cho chị bệnh nhân này.
Chị tâm sự: “Với người bệnh, nỗi lo về bệnh tật đã là lớn nhất rồi, nếu còn phải gánh thêm gánh nặng về tiền nong, tâm lý nữa thì sẽ rất nặng nề. Giúp được người khác cũng là giúp cuộc sống quanh mình bớt đi những tiếng thở dài. Bên cạnh đó mình cũng có được sự nhẹ nhõm, coi như tích đức cầu mong cho bố mình mau khỏi bệnh”.
![]() |
Phát cơm miễn phí tại bệnh viện K Tân Triều |
Trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua, có nhiều câu chuyện đẹp mà mọi người kể cho nhau nghe, cùng nhau làm trong từng phòng bệnh với nhau. Còn có những hành động đẹp mà chúng ta cũng được biết qua báo chí. Đó là khi Bệnh viện K bị phong toả các cửa hàng xung quanh cũng được yêu cầu đóng cửa. Chính vì vậy, những người bệnh xung quanh khu vực này không còn chỗ để ăn uống. Nhận thấy khó khăn của các bệnh nhân, chị Đới Mai Xuyên - chủ quán cơm tại 171 Kiến Hưng (đối diện Bệnh viện K) đã nấu hàng trăm suất cơm phục vụ miễn phí cho người dân tại "xóm ung thư".
Chương trình “Hà Nội nghĩa tình” do Thành đoàn Hà Nội, Trung tâm Tình nguyện quốc gia, nhóm "Thần tốc Hà Nội" và các câu lạc bộ, nhà hảo tâm phối hợp triển khai cũng đã giúp đỡ được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn trong bệnh viện lúc dịch bệnh diễn biến căng thẳng.
Trong chương trình này, mỗi ngày có tối thiểu 500 suất ăn chất lượng được gửi tới hỗ trợ bệnh nhân nghèo, người lao động, thanh niên công nhân, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thủ đô đang chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Còn đó là rất nhiều chương trình phát cơm, phát nhu yếu phẩm, tặng quà cho bệnh nhân, người nhà đã giúp họ vượt qua khó khăn, yên tâm điều trị. Tình cảm, sự sẻ chia của cộng đồng như vòng tay nhân ái che chở, mang hơi ấm yêu thương đến tất cả mọi người, để tình người sẽ xoa dịu mọi nỗi đau, giúp chúng ta mạnh mẽ hơn khi đối mặt với mọi hoàn cảnh.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Kí ức của các chiến sĩ đội lái xe “tóc dài” Trường Sơn

Bàn giao nhà nghĩa tình mừng 50 năm giải phóng miền Nam

Những người phụ nữ kiên trung phía sau chiến trường bão lửa

Tri ân những nữ chiến sĩ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

“Hồi sinh” mang đến không gian sáng tạo cho Hà Nội

Hai nghị quyết - một tầm nhìn: Kiến tạo Thủ đô từ chiều sâu văn hóa

Bảo tồn di sản để tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa

"Nguyệt Vũ" - khơi mở cánh cửa tri thức cho trẻ em vùng cao

Giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển công nghiệp văn hóa
