Kho bạc Lai Châu làm tốt công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến
Cải cách hành chính hiệu quả nhờ dịch vụ công trực tuyến Dịch vụ công trực tuyến phát huy hiệu quả trong mùa dịch |
Cán bộ Kho bạc Lai Châu hướng dẫn khách hàng thực hiện dịch vụ công trực tuyến |
Đến hết tháng 7 vừa qua, trên địa bàn toàn tỉnh Lai Châu đã có 831 đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) đăng ký thành công và thực hiện thanh toán qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đạt tỷ lệ 98,8% trên tổng số đơn vị SDNS trên địa bàn (841 đơn vị). Gần 31 nghìn hồ sơ, chứng từ (chiếm trên 80% tổng số hồ sơ, chứng từ thanh toán gửi đến kho bạc) giao dịch thành công trên hệ thống DVCTT. Kết quả này đã đưa KBNN Lai Châu đứng vào hàng các đơn vị dẫn đầu trong toàn hệ thống KBNN về việc triển khai tốt DVCTT đến các đơn vị SDNS.
Nhớ lại những ngày đầu mới triển khai thực hiện, ông Nguyễn Ngọc Phong - Giám đốc KBNN Lai Châu cho biết, là địa bàn miền núi với đặc điểm vị trí địa lý cùng tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn nên việc triển khai DVCTT của kho bạc tại Lai Châu có nhiều trở ngại. “Nếu như ở các tỉnh đồng bằng vất vả một thì với tỉnh miền núi như Lai Châu, sự vất vả tăng lên gấp nhiều lần” - ông Phong nói.
Sự vất vả thể hiện ở chỗ các đơn vị SDNS vẫn có thói quen muốn giao dịch trực tiếp với cán bộ kho bạc để có sai sót gì sẽ được hướng dẫn ngay theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Hơn nữa, với tâm lý trực tiếp mang hồ sơ đến kho bạc mới thấy yên tâm nên nhiều đơn vị SNDS chưa mặn mà với cách thức giao dịch mới này. Do đó, cán bộ kho bạc lúc này không chỉ là những người kiểm soát, chi trả nguồn ngân sách mà còn là những nhà “tư vấn”, vận động đơn vị SDNS tham gia DVCTT.
“KBNN Lai Châu đã giao trách nhiệm cho từng cán bộ chuyên quản các đơn vị SDNS để tuyên truyền, vận động họ tham gia. Đơn vị trước thực hiện thấy hay, tiện lợi lại truyền kinh nghiệm cho đơn vị sau, cứ như thế, lợi ích của DVCTT được lan tỏa đến tất cả 195 đơn vị SDNS thuộc khối tỉnh và thành phố. Vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn, chúng tôi đã hoàn thành triển khai DVCTT đến tất cả các đơn vị SDNS này, đạt 100% kế hoạch UBND tỉnh đưa ra” - ông Phong cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Phong, việc triển khai DVCTT đến các khối ngân sách huyện và xã mới thực sự vất vả vì thời gian triển khai thực hiện lại đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, toàn xã hội phải thực hiện cách ly theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
“Thực sự là khó. Nhưng nhiệm vụ đặt ra là đến hết năm 2020, DVCTT của kho bạc phải được phủ sóng trên toàn quốc nên không thể chần chừ. Theo đó, KBNN Lai Châu đã ra văn bản gửi đến các KBNN huyện trực thuộc, yêu cầu các KBNN này phải báo cáo UBND huyện về chủ trương, kế hoạch triển khai DVCTT của kho bạc. Ngoài ra, các KBNN huyện phải lập kế hoạch triển khai của đơn vị mình và thông báo, hướng dẫn các đơn vị giao dịch để họ biết, chủ động nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện đăng ký tham gia DVCTT” - ông Phong cho biết.
Để đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cũng như không để công việc bị dồn tắc, KBNN Lai Châu đã chọn cách tập huấn từ xa và gửi tài liệu hướng dẫn chi tiết các bước để thực hiện DVCTT tới các KBNN huyện. Từ các tài liệu này, các KBNN huyện đã triển khai đến các đơn vị giao dịch. “Quả thực, cách làm này đã mang lại kết quả tốt. Vượt qua mọi khó khăn, tất cả 7 huyện của tỉnh Lai Châu đã đồng loạt triển khai DVCTT. Hiện đã có 4 huyện: Than Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường đạt 100% kế hoạch triển khai đến các đơn vị SDNS, 3 huyện còn lại đều đạt gần 100% kế hoạch. Cứ theo đà này, chúng tôi sẽ sớm hoàn thành kế hoạch trước thời hạn đã định” - ông Phong chia sẻ.
“Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”. |