Khó khăn để báo chí dũng cảm thử sức
“Làng báo” rộn ràng mừng 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam Tự hào chúng tôi là nhà báo Báo chí đồng hành với sự phát triển kinh tế, xã hội |
Những thách thức trong thời đại mới
Ngay từ đầu năm, trong Hội nghị giao ban báo chí đầu xuân Giáp Thìn 2024, tại Hà Nội, do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với báo Nhân Dân tổ chức, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chia sẻ khó khăn, thách thức của các cơ quan báo chí, nổi bật là doanh thu quảng cáo sụt giảm chưa từng có, cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các nền tảng mạng xã hội, trong khi phải nỗ lực đuổi kịp xu thế, nhất là sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ…
Phó Thủ tướng cho rằng, các cơ quan báo chí phải dũng cảm đối diện với những khó khăn, thách thức, không né tránh; phải có cách làm mới, cách nghĩ mới để có những sản phẩm mới có sức hấp dẫn hơn, cạnh tranh hơn; đề nghị các cơ quan báo chí phải có cách làm mới, suy nghĩ mới, sản phẩm mới hấp dẫn, cạnh tranh hơn để thu hút độc giả.
Các cơ quan báo chí cần tập trung quản lý các sản phẩm báo chí cả nội dung và hình thức cũng như hoạt động tác nghiệp của mỗi nhà báo tốt hơn. Đồng thời, các đơn vị phải chú trọng công tác đào tạo nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các nhà báo để bảo vệ danh tiếng là cơ quan thông tin, truyền thông chính thống, đại diện cho Đảng, Nhà nước; tránh nguy cơ mất cán bộ do mưu sinh mà vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật.
Nghề báo đối mặt với nhiều vất vả |
Những năm qua, báo chí nước ta phát triển mạnh cả về quy mô, loại hình, công nghệ, số lượng, chất lượng, hiệu quả xã hội. Nhiều cơ quan báo chí đã phát triển các loại hình báo chí, áp dụng công nghệ hiện đại.
Phát thanh - truyền hình đã phủ sóng rộng khắp lãnh thổ Việt Nam, một số đài phát sóng ra thế giới bằng các công nghệ tiên tiến. Số lượng người sử dụng Internet đạt hơn 73%, sử dụng mạng xã hội đạt trên 75% dân số cả nước.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí đã tích cực, chủ động, kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và quốc tế; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội.
Báo chí là lực lượng chủ lực, đi đầu trong tuyên truyền phòng chống, đẩy lùi đại dịch COVID-19. Đặc biệt, báo chí tiên phong trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác này.
Bên cạnh đó, báo chí còn đẩy mạnh các hoạt động thông tin về quốc phòng, an ninh và đối ngoại về 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, với hơn 45.000 lao động làm việc tại các cơ quan báo chí, trong đó hơn 20.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, một số cơ quan báo chí và người làm báo chạy theo thị hiếu tầm thường, tìm cách để thu lợi. Công tác quản lý báo chí chưa theo kịp thực tiễn, chưa đáp ứng sự phát triển của báo chí, truyền thông.
Số lượng cơ quan báo chí tăng nhanh nhưng phần lớn phải tự chủ tài chính, nhiều cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, phó mặc cơ quan báo chí trực thuộc, tôn chỉ mục đích bị xem nhẹ.
Ở một số địa phương còn có sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý giữa cơ quan chỉ đạo và cơ quan quản lý báo chí. Công tác tự kiểm tra, giám sát ở một số cấp hội còn yếu, nhiều Ban Kiểm tra cấp hội địa phương, cơ sở hoạt động kém hiệu quả, vai trò mờ nhạt.
Dự báo trong 5 năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cơ hội đan xen thách thức. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông và mạng xã hội vừa là cơ hội, vừa đặt ra không ít thách thức đối với hoạt động báo chí và công tác chỉ đạo, quản lý báo chí.
Các nhà báo vẫn yêu nghề, dám dấn thân
Trước thách thức và cơ hội, để tồn tại trong làng báo, sống được với đam mê nghề, có lẽ riêng trình độ chuyên môn là chưa đủ, nhà báo còn phải dũng cảm đối mặt với những mặt trái của nghề.
Theo nhà báo Tuấn Nguyễn, người làm báo hiện đại không chỉ có chuyên môn mà còn phải đa năng hơn |
Nhà báo Tuấn Nguyễn, phụ trách Văn phòng thường trú báo Tiền Phong khu vực miền Trung Tây Nguyên chia sẻ: “Đa phần các văn phòng đại diện báo Trung ương đặt tại các vùng miền hiện nay đều rất áp lực khi vừa đảm bảo bao quát tốt thông tin, có dấu ấn bản sắc riêng, vừa phải đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động có thu cũng như các hoạt động xã hội, thiện nguyện...
Do đó, để làm được những đề tài công phu thì các phóng viên thường trú phải chấp nhận sẽ đụng chạm đến nhiều nhóm lợi ích. Tuy nhiên, với quyết tâm góp tiếng nói trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tôi rất vui khi báo cáo đăng ký đề tài tới lãnh đạo trực tiếp phụ trách và Ban Biên tập, luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ, kèm những lời dặn dò sâu sắc. Hơn hết, phóng viên trực thuộc phải đồng tâm đồng lòng để thực hiện tuyến bài đó đạt kết quả tốt nhất, hạn chế tối đa rủi ro nhất
Khi sản phẩm đã cơ bản hoàn thành phải nhất quán quan điểm đấu tranh, bảo vệ đứa con tinh thần của mình, không để các "thế lực" can thiệp, tác động”.
Là một phóng viên trẻ, chị Đinh Ngọc Ánh - Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, chia sẻ: Với phóng viên truyền hình, cái khó nhất là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải thu thập được hình ảnh thì mới có tư liệu để sáng tạo tác phẩm báo chí. Vì thế, bất kể mưa nắng, chúng tôi đều phải thu thập hình ảnh. Điều đó không ái ngại bằng việc cơ sở không hợp tác hoặc bị các đối tượng ngăn cản ghi hình…”.
Phóng viên Đinh Ngọc Ánh trong một lần tác nghiệp liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng chung cư “đắp chiếu” |
Theo chị Ánh, không thể phủ nhận, phụ nữ làm báo vất vả hơn nam giới trong nhiều khía cạnh từ thể lực đến vai trò trong gia đình song hầu hết phóng viên nữ không để năng lực bị giới hạn trong định kiến chân yếu tay mềm. Thậm chí, họ còn khéo léo tận dụng những ưu thế sẵn có của giới nữ để hỗ trợ trong việc nắm bắt, tiếp cận tâm lý nhân vật.
Phụ nữ làm báo còn có lợi thế về giới, nhờ sự dịu dàng, cởi mở, đầy tình cảm... Các tố chất đó rất dễ thâm nhập vào thực tế, cảm nhận đa chiều hơi thở cuộc sống và nhạy cảm với các vấn đề đang xảy ra; rất dễ dẫn dắt nhân vật vào câu chuyện để khai thác thông tin, thậm chí những thông tin nhạy cảm nhất. Điều đó đánh bật những quan điểm cho rằng phụ nữ chân yếu tay mềm, không chịu đựng áp lực môi trường làm việc của một nghề “đặc thù”.
Nghề báo vốn nhiều áp lực, đôi khi còn nguy hiểm. Mỗi tác phẩm báo chí ra đời phải hội đủ các yếu tố về tính thời sự, chính xác, hấp dẫn độc giả. Áp lực đối với những người làm nghề là không nhỏ. Ngoài vấn đề chuyên môn, người làm báo cần có sức khỏe tốt và bản lĩnh. Việc tác nghiệp trong nhiều hoàn cảnh đối với phóng viên nam đã khó khăn nhưng đối với những phóng viên nữ thì khó khăn còn gấp bội.
Thời gian của phóng viên không tính bằng giờ hành chính như những công việc khác, cứ có sự việc, sự kiện dù sáng sớm hay đêm khuya cũng phải có mặt. Nghề báo không có ngày nghỉ, nhất là các dịp lễ, Tết lại càng phải đi làm nhiều hơn.
“Dù trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng tôi nghĩ, đã theo đuổi đam mê, làm đúng ngành nghề đào tạo thì công việc có thế nào cũng vẫn phải tiến lên phía trước, khẳng định mình là một nhà báo cách mạng trong thời đại mới”, nhà báo Ngọc Ánh cho biết.