Tấm gương sáng trong cộng đồng người Dao
Ông Lý Văn Phủ (đứng giữa) kể về quá trình hiến đất làm đường
Bài liên quan
Điểm tựa của những đứa trẻ lang thang
Tiên phong hiến đất làm đường
Ông Lý Văn Phủ sinh năm 1963, được biết đến là một trưởng thôn người dân tộc Dao năng nổ, đầy trách nhiệm, có đóng góp tích cực cho việc xây dựng nông thôn mới vủa quê hương.
Ngay từ thời trẻ, ông đã có quá trình gắn bó với công tác địa phương khi làm việc tại Hợp tác xã Yên Sơn và luôn có trách nhiệm với các hoạt động cộng đồng. Năm 2015, ông Phủ được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, ông Phủ đã đưa ra nhiều sáng kiến để xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, tình trạng bạo hành gia đình, trọng nam - khinh nữ, xây dựng nếp sống mới, xóa bỏ kỳ thị giàu, nghèo, đoàn kết cùng các dòng họ khác trong thôn…
Thôn Yên Sơn từng có thời nhiều thanh niên mải mê rượu chè, cờ bạc, lười lao động sinh ra trộm cắp. Ông Phủ xác định, có xóa được các tệ nạn cờ bạc, trộm cắp thì kinh tế xã hội mới phát triển. Bởi vậy ông đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể và công an xã Ba Vì xây dựng và duy trì hoạt động của mô hình "Dòng họ tự quản an ninh trật tự". Qua đó kịp thời phát hiện, khuyên can nhiều đối tượng không tụ tập bài bạc, uống rượu say. Bản thân ông Phủ cùng gia đình, dòng họ cung cấp nhiều thông tin hữu ích trong phòng, chống tệ nạn xã hội.
Vốn là người hiểu rõ nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Dao, ông đã tuyên truyền, vận động người dân trong thôn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, học chữ nôm của người Dao để đọc được những cuốn sách cổ, gìn giữ trang phục truyền thống, phong tục truyền thống, loại bỏ những hủ tục. Do đó, trước đây dân tộc Dao thường tổ chức đám ma, đám cưới mấy ngày thì nay chỉ tổ chức trong một ngày, làm cỗ đơn giản, gọn nhẹ.
Nằm ở vùng sâu, vùng xa nhất Hà Nội, địa hình đồi núi, đất đai cằn cỗi, giao thông không thuận lợi, những năm trước đời sống của người dân thôn Yên Sơn gặp nhiều khó khăn. Khi Ba Vì triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới, việc phát triển kinh tế là "bài toán khó" với đội ngũ lãnh đạo xã và thôn, khó hơn khi hơn 90% số dân là đồng bào dân tộc Dao.
Khi Yên Sơn được đầu tư kinh phí để làm đường, Trưởng thôn Lý Văn Phủ cùng với chi bộ, các đoàn thể nhân dân bàn bạc, đề nghị mọi người hiến đất mở đường. Chủ trương này lúc đầu không được các hộ dân ủng hộ ngay. Ông Phủ kiên trì đến từng nhà nói rõ chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, của thành phố.
Ông Phủ tâm sự, hiến đất làm đường giao thông nông thôn là một việc làm rất có ý nghĩa trong xây dựng nông thôn mới. Trong gia đình, ngoài ông từng làm trưởng thôn, vợ và các con của ông đều tham gia công tác xã hội. Cả gia đình cùng chung suy nghĩ làm những gì tốt nhất có thể vì tương lai phát triển chung của thôn xóm, mong muốn cho quê hương, đất nước thêm giàu đẹp, văn minh.
Nhận thấy một số đoạn đường ngõ trong thôn rất hẹp, khuất tầm nhìn nên người dân đi lại gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, gia đình ông Phủ đã hiến hơn 200m2 đất thổ cư để mở rộng đường mà không đòi hỏi quyền lợi gì. Gia đình ông còn chủ động tạo điều kiện thuận lợi để đội thi công sớm hoàn thành con đường. Việc làm tự nguyện của ông Phủ cũng đã tạo chuyển biến trong nhận thức của nhân dân, biết hi sinh lợi ích riêng để hướng tới sự phát triển chung của địa phương. Học tập theo gia đình ông, nhiều hộ dân thôn Yên Sơn đã hăm hở làm theo, tạo thành phong trào hiến đất làm đường, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn đổi mới.
Giao thông thuận lợi đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế, từng bước giúp người dân thôn Yên Sơn vươn lên làm giàu, xóa đói, giảm nghèo, chung sức cùng xã Ba Vì phấn đấu cán đích nông thôn mới.
Làm giàu trên quê hương
Với địa hình vùng núi, đất đai cằn cỗi, nguồn nước không chủ động, trước đây, người dân thôn Yên Sơn quanh năm làm lụng vất vả nhưng nhiều khi vẫn thiếu ăn. Bản thân gia đình ông Phủ cũng không khá hơn là mấy. Trăn trở tìm lối đi riêng để phát triển kinh tế gia đình, ông Phủ nhận thấy tuy đất đồi núi khó trồng trọt cho các loại cây lương thực, thực phẩm nhưng có thể phát triển cây dược liệu. Mà nghề làm nghề làm thuốc nam truyền thống lại là thế mạnh của đồng bào Dao. Vậy là ông liền bắt tay vào việc phát khu vườn thuốc nam kết hợp với kinh tế đồi rừng. Ngoài các khu vườn thuốc nam được trồng gần nhà, ông còn trồng xen các loại cây thuốc nam với cây nguyên liệu như bạch đàn, keo, luồng… để tận dụng nguồn đất và đảm bảo sự đa dạng cây trồng cung ứng cho thị trường.
Từ năm 2008, với nguồn vốn tích lũy được trong khai thác cây nguyên liệu và cây thuốc nam, ông Phủ bắt đầu chuyển sang hướng cung cấp thuốc cho thị trường, tham gia các hội chợ, phát triển các mô hình kinh tế về sản phẩm cây thuốc gia truyền mang lại hiệu quả cao. Những năm gần đây, mỗi năm gia đình ông thu được 350 đến 400 triệu đồng từ việc trồng và làm thuốc nam; trở thành gia đình điển hình trong thi đua lao động, sản xuất giỏi của xã.
Người Dao trước đây vốn chỉ đi rừng hái thuốc, nay thấy mô hình trồng dược liệu của ông nên đã chủ động học hỏi. Ông Phủ còn hướng dẫn bà con cách khai thác cây để vườn thuốc được tái tạo, hướng dẫn bà con nhận diện những cây thuốc quý để bảo tồn. Nghề thuốc nam nhờ thế ngày một phát triển.
Với những đóng góp trong công tác xã hội, nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu, ông Lý Văn Phủ đã liên tục được UBND xã Ba Vì, UBND huyện Ba Vì, lãnh đạo TP Hà Nội tặng nhiều phần thưởng cao quý, nhiều năm liền đạt danh hiệu “Người tốt - Việc tốt”. Năm 2017, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số.
Mới đây nhất, ông là một trong 10 công dân được thành phố Hà Nội xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2019.