Khơi thông dòng vốn cho khởi nghiệp sáng tạo
Khách tham quan triển lãm các sản phẩm công nghệ tại Techfest 2019
Bài liên quan
Dòng vốn mới cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Thủ tướng chỉ thị tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Việt Nam học tập kinh nghiệm của Israel
Khởi nghiệp sáng tạo, cơ hội để giới trẻ Thủ đô thử sức
Khởi nghiệp sáng tạo tăng trưởng mạnh mẽ
Năm 2014, khi Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông nổi đình nổi đám trên toàn thế giới, nhiều nhận định lạc quan đã cho rằng, đó là thời điểm thuận lợi để chúng ta tham gia vào cuộc đua công nghệ, thiết lập một “thung lũng Sillicon” tại Việt Nam.
Nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tháng 5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Mục tiêu chính của đề án là tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, trong 60 quốc gia tham gia khảo sát, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Tuy nhiên, khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo thì thuộc 20 nhóm cuối cùng. Khoảng cách giữa khát vọng, ý chí và hành động cụ thể quá lớn. Chúng ta cần nhiều sự hỗ trợ của thể chế, chính sách để tiến gần hơn tới hành động.
Báo cáo về bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam năm 2019 do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia công bố cho thấy, Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Theo đó, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã phát triển qua 3 giai đoạn: Làn sóng đầu tiên (2004 - 2007), làn sóng thứ hai (2007 - 2010) và làn sóng thứ ba (2011 đến nay). Trong đó, riêng làn sóng thứ ba, Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng start-up. Nếu như năm 2012, số lượng doanh nghiệp start-up chỉ là 400 thì đến năm 2015, con số này đã lên tới gần 1.800 và 3.000 trong năm 2017.
Cùng với đó, các không gian làm việc chung (Co-working space), vườn ươm khởi nghiệp (Incubator) và tăng tốc khởi nghiệp (Accelerator) cùng các chương trình cho cộng đồng khởi nghiệp cũng bùng nổ từ năm 2016. Báo cáo cho rằng, hệ sinh thái đổi mới của Việt Nam tạo cơ hội đặc biệt cho các nhà đầu tư công nghệ.
Năm 2019 là một năm khá thành công trong việc gọi vốn của các doanh nghiệp start-up. Tháng 1, ví Momo gọi thành công 100 triệu USD từ quỹ đầu tư Warburg Pincus. Tháng 3, Tiki gọi vốn thành công 75 triệu USD từ Northstar Group. Tháng 7, VNPay nhận 300 triệu USD từ quỹ start-up Vision Fund (SoftBank) và GIC Pte. Tháng 11, Sendo tuyên bố đã huy động được 61 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài…
Theo ước tính, năm 2019 các start-up Việt Nam đã gọi được trên 800 triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ ngoại. Dù đây là những con số không quá lớn nhưng đối với một thị trường nhỏ và mới phát triển mạnh về khởi nghiệp trong 5 năm gần đây, rõ ràng đó là một cú đột phá lớn, tạo tiền đề cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo nghiên cứu của công ty đầu tư mạo hiểm ESP Capital và Cento Ventures (Singapore), nửa đầu năm 2019 có khoảng 5,9 tỷ USD được đầu tư vào các start-up Đông Nam Á, trong đó Việt Nam chiếm 17% (năm 2018 chỉ chiếm 5%), sau Indonesia (48%) và Singapore (25%). Điều này cho thấy Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư.
Sớm thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Làn sóng start-up đang diễn ra mạnh mẽ với sự xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp phát triển những sản phẩm mới, tiếp cận phân khúc khách hàng mới bằng những công nghệ và ý tưởng mới. Tuy nhiên, điểm chung của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo này là lịch sử thành lập chưa lâu, đa phần quy mô vừa và nhỏ nên vẫn gặp bài toán muôn thuở là vốn.
Số lượng các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp sáng tạo đang có xu hướng gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Các quỹ ngoại như CyberAgent, 500 Startups, Golden Gate Ventures… hiện mở văn phòng đại diện hoặc có đối tác tại Việt Nam.
Trong số các quỹ nội địa thì hiện mới có quỹ FPT Venture đang tích cực thực hiện đầu tư cho khởi nghiệp. Nhiều nhà đầu tư trong nước khác như các công ty lớn, nhà đầu tư cá nhân cũng đã thể hiện sự quan tâm và nhu cầu đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.
Ngoài ra còn có một số quỹ đầu tư thành lập theo Luật Chứng khoán của các ngân hàng, công ty lớn như: Vietcombank, BIDV, VPBank, VietA Bank, Tổng Công ty Dầu khí có hoạt động đầu tư cho doanh nghiệp. Ví dụ như: Công ty Liên doanh quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank đang quản lý hai quỹ mở là Quỹ Đầu tư cân bằng chiến lược VCBF (VCBF-TBF) và Quỹ Đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF.
Tuy nhiên, hầu hết các quỹ này không đầu tư từ giai đoạn khởi đầu của doanh nghiệp. Các quỹ này không đầu tư nhỏ mà vào những dự án có quy mô vài trăm nghìn USD trở lên.
Các quỹ này đầu tư vào danh mục đa dạng các cổ phiếu niêm yết có giá trị vốn hóa thị trường lớn và các trái phiếu Chính phủ Việt Nam. Do đó, khởi nghiệp sáng tạo gần như bị bỏ qua.
Trung bình trong 3 năm gần đây, mỗi năm chỉ có khoảng vài chục doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam nhận được đầu tư từ những quỹ trong và ngoài nước có đăng ký thành lập. Thực tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thường huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức chuyên đầu tư vào khởi nghiệp, thậm chí đầu tư vào các cá nhân, nhóm cá nhân chưa thành lập doanh nghiệp mà mới chỉ đang phát triển sản phẩm, dịch vụ.
Các khoản đầu tư này không lớn, khoảng từ 5.000 - 50.000 USD thông qua hình thức cùng thành lập hoặc góp vốn, mua cổ phẩn của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhà đầu tư có vai trò như một cổ đông, thành viên góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Vì vậy, để khơi thông dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, việc tạo lập hành lang pháp lý về vốn đầu tư cũng như các chính sách khuyến khích hoạt động này là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn khách quan.
Do đó, Chỉ thị số 09/CT-TTg vừa được Thủ tướng ký ban hành, yêu cầu tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ thị yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, báo cáo Thủ tướng trong năm 2020 - 2021.
Đồng thời, Bộ cũng chủ trì, hướng dẫn hạch toán kế toán cho doanh nghiệp có hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, báo cáo Thủ tướng trong quý II/2020.
Theo Chỉ thị số 09/CT-TTg, dù đã có Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 để tạo thuận lợi về đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp nhưng theo phản ánh của cộng đồng start-up, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam còn nhiều khó khăn, rào cản, kém sức cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực.
Các hạn chế chủ yếu do môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi cho khởi nghiệp, quy định về điều kiện kinh doanh chưa phù hợp với yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thiếu hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu; hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước hạn chế, thủ tục phức tạp; chưa có hành lang pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ mới; nhân lực công nghệ bị thiếu hụt cả về chất và số lượng...