Không gian văn hóa sáng tạo hút khách du lịch tới Thủ đô
Nâng giá trị các không gian văn hóa sáng tạo ở Hà Nội Đón Tết Việt trong không gian văn hóa sáng tạo độc bản tại Vincom Sản phẩm OCOP là “sức sống” của cộng đồng nông thôn |
Nhiều không gian sáng tạo mới
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình 06-Ctr/TU, 6 tháng đầu năm, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành 1 Chỉ thị và đang trình 1 chỉ thị về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới, 3 kế hoạch, 2 nghị quyết HĐND. Đó là, Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Nghị quyết số 07/2024/NQ-HĐND của HĐND quy định một số nội dung chi, mức chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025; Kế hoạch số 182/KH-UBND của UBND Thành phố về thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU của Thành ủy.
Đặc biệt, để thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 25/4/2024 về thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy đến năm 2025.
Đánh giá về phát triển công nghiệp văn hóa 6 tháng qua, Ban Chỉ đạo cho biết, TP Hà Nội đã tổ chức các hội nghị tháo gỡ các khó khăn đối với các doanh nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, các sự kiện văn hóa, du lịch văn hóa, văn hóa thể thao, nghệ thuật biểu diễn thu hút đông đảo các nhà sáng tạo trẻ của thành phố tham gia; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức thành công 152 chương trình nghệ thuật trên địa bàn.
Biểu diễn nghệ thuật tại Không gian văn hóa phố Trịnh Công Sơn |
Đặc biệt, không gian văn hóa sáng tạo để lại nhiều dấu ấn như Không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trần Nhân Tông, Không gian văn hóa Thành cổ Sơn Tây, Phố ẩm thực Đảo Ngọc- Ngũ Xã, Ba Đình, Không gian văn hóa phố Trịnh Công Sơn, Tây Hồ; các công viên sáng tạo tại quận Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Đống Đa...
Các cơ quan, di tích đã chú trọng, tập trung xây dựng các sản phẩm công nghiệp văn hóa gắn với công nghệ 3D mapping tại đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lễ hội ánh sáng tại Hồ Tây, Lễ hội Sen Tây Hồ; tour đêm tại Hoàng Thành và di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Nhiều tour du lịch hút khách
Báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 14,05 triệu lượt khách, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 3,14 triệu lượt, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm 2023 (tương đương mức 95% của năm 2019), khách du lịch nội địa ước đạt 10,91 triệu lượt khách, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2023 (tương đương mức 98,4% của năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.385 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Để khai thác thế mạnh di sản, làng nghề, thành phố Hà Nội cũng đã ban hành 3 quyết định công nhận điểm du lịch cấp thành phố, đó là điểm du lịch Đông Mỹ, xã Đông Mỹ; điểm du lịch Triều Khúc, xã Tân Triều; điểm du lịch Vạn Phúc, xã Vạn Phúc. Đồng thời, tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội”; Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền (Ba Vì) cũng được ra mắt.
Sản phẩm du lịch đêm "Ngọc Sơn - Đêm huyền bí" |
Thêm vào đó, nhiều sản phẩm tour du lịch đêm đã được các địa phương, khu, điểm du lịch đẩy mạnh hoạt động và thu hút được được đông đảo sự tham gia và đánh giá cao của du khách như: Tour “Đêm Thiêng liêng” của di tích Nhà tù Hỏa Lò; tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, tour đêm “Tinh hoa đạo học” ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám; tour du lịch văn học chữ Tâm, chữ Tài; tour “Tìm về kinh đô người Việt cổ”, tour du lịch đêm tại đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm với chủ đề “Ngọc Sơn - đêm huyền bí”. Các tuyến phố đi bộ tiếp tục thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo Nhân dân và du khách nhất là vào những dịp kỷ niệm ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng.
Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố cũng triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương như: Sản phẩm du lịch thể thao, du lịch cộng đồng tại huyện Sóc Sơn, Ba Vì.
Thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đổng Tử; phối hợp với các quận, huyện nghiên cứu, đề xuất triển khai các mô hình du lịch văn hóa, làng nghề mới; tiếp tục số hóa dữ liệu về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; xây dựng hệ thống bản đồ số du lịch; duy trì vận hành hệ thống quản lý dữ liệu ngành; cập nhật dữ liệu phần mềm cơ sở dữ liệu du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Tại Hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quý II/2024, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, đánh giá kết quả từ đầu năm đến nay, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, TP Hà Nội đã có nhiều bước tiến trên nhiều lĩnh vực. Các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là công nghiệp văn hóa được thể hiện rõ, mang lại hiệu quả và tác động đến phát triển kinh tế - xã hội. Điều này giúp du lịch Hà Nội phục hồi mạnh mẽ, nhất là du lịch nội địa.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU đề nghị các địa phương, đơn vị cần quan tâm hơn trong phát triển công nghiệp văn hóa để thúc đẩy phát triển du lịch. Phó Bí thư Thành ủy cũng đề nghị Sở VH&TT Hà Nội cùng các sở, ngành liên quan nghiên cứu việc lập quỹ hỗ trợ phát triển văn hóa để hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức trong phát triển văn hóa địa phương; đồng thời, rà soát chặt chẽ việc thực hiện Chương trình 06-CTr/TU và các hoạt động liên quan đến cam kết với UNESCO về phát triển Thành phố sáng tạo.