Nâng giá trị các không gian văn hóa sáng tạo ở Hà Nội
Nhiều quy định mang tính đặc thù để phát triển văn hóa, giáo dục Người trẻ Hà Nội góp phần chấn hưng văn hoá |
Cần đa dạng các dịch vụ văn hóa
Chính phủ vừa chính thức trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) để các đại biểu cho ý kiến, hầu hết đều nhất trí về sự cần thiết việc sửa luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.
Trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã có quy định chính sách đặc thù về văn hóa. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến việc phát triển không gian văn hóa sáng tạo.
Theo TS Nghiêm Thị Thanh Nhã - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, ở một số thành phố lớn trên thế giới, không gian văn hóa chính là điển hình về thực hành quản trị dịch vụ văn hóa có hiệu suất và đạt hiệu quả cao nhất, từ đó giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và gắn kết cộng đồng dân cư.
Phố bích họa Phùng Hưng đã làm sống lại đoạn phố gầm cầu vốn bị bỏ quên trong sự nhếch nhác nhiều năm qua |
Ở Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng đang phát triển rất nhiều không gian văn hóa sáng tạo theo hướng là những địa điểm có vai trò trợ giúp và kết nối giữa nghệ sĩ, người thực hành và công chúng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo.
Các không gian văn hóa là nơi thúc đẩy tự do biểu đạt nghệ thuật và sáng tạo, cũng như kiến tạo đời sống văn hóa phong phú cho công chúng.
Chưa khai thác hết tiềm năng
Theo TS Nghiêm Thị Thanh Nhã, Hà Nội cần phát triển không gian văn hóa theo hướng không chỉ đơn thuần là những địa điểm có vai trò trợ giúp, kết nối giữa nghệ sĩ, người thực hành và công chúng.
Phố đi bộ Hồ Gươm mới đơn thuần là không gian sinh hoạt cộng đồng chứ chưa khai thác hết tiềm năng về kinh tế, du lịch, văn hóa |
Thay vào đó, Hà Nội cần phát triển nhiều hơn các hoạt động dịch vụ văn hóa với những sản phẩm đa dạng, phát huy cơ hội kinh doanh nhằm làm gia tăng giá trị cho các không gian văn hóa đó.
Để làm được điều này, tầm quan trọng của quản trị dịch vụ văn hóa cần được nhận thức một cách đúng đắn, từ việc hoạch định chiến lược, xác định đối tượng khách hàng cũng như xây dựng lưu đồ dịch vụ (flowchart), thiết kế chi tiết (blueprinting) đến quy trình quản trị chất lượng dịch vụ ở các không gian văn hóa sáng tạo.
Theo TS Nghiêm Thị Thanh Nhã, nhà quản trị các không gian văn hóa sáng tạo phải xây dựng được chiến lược dịch vụ toàn diện để có thể vận hành hết hiệu suất và đạt hiệu quả cao nhất.
"Với chiến lược quản trị các không gian văn hóa sáng tạo ở thành phố Hà Nội hiện có, nhiều nhà quản trị doanh nghiệp phải thốt lên rằng, có quá nhiều cơ hội kinh doanh bị bỏ ngỏ", TS Nghiêm Thị Thanh Nhã chia sẻ.
Đơn cử như phố đi bộ Hồ Gươm mới đơn thuần là không gian sinh hoạt cộng đồng chứ chưa khai thác hết tiềm năng về kinh tế, du lịch, văn hóa.
Tương tự, một số hình thức như cho thuê xe điện trẻ em, bán hàng rong... đem lại rất ít nguồn thu cho địa phương, còn nhiều hoạt động khác hầu hết tự phát, chưa tương xứng với phối cảnh, đặc trưng văn hóa của Hồ Gươm.