Không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán
Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định
Nhằm đảm bảo nguồn hàng phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán, từ rất sớm, cơ quan quản lý, nhà cung cấp và bán lẻ trên địa bàn thành phố đã chủ động nguồn hàng và triển khai biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đúng thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhiều người không khỏi lo lắng thị trường hàng hóa sẽ bị “sốt giá”. Thế nhưng thực tế những ngày qua đã cho thấy giá cả hầu hết các mặt hàng đều ổn định. Rõ nhất phải kể đến giá thịt lợn, thịt gà, rau xanh ngày cận Tết không những không tăng mà còn giảm.
Ông Nguyễn Hưng Thỉnh, chủ một trang trại chăn nuôi lợn ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết: Thời điểm sát Tết Nguyên đán Tân Sửu, trang trại xuất bán lượng thịt lợn tăng hơn 10% so với ngày thường nhưng giá lại giảm 10-20% so với Tết Nguyên đán Canh Tý.
Nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao song thị trường hàng hóa Tết Nguyên đán Tân Sửu tại Hà Nội diễn ra ổn định, không có tình trạng “khan hàng, sốt giá” |
Trên địa bàn thành phố Hà Nội ngay trong ngày mùng 2 Tết, các tiểu thương tại nhiều chợ dân sinh đã mở hàng trở lại. Đáng chú ý, diễn biến thị trường sau Tết tiếp tục giữ ổn định. Cho đến ngày 15/2 (mùng 4 Tết), các mặt hàng được bày bán nhiều là thủy, hải sản, rau, quả, hoa tươi… song không có đột biến về giá, ngoại trừ thịt lợn, đậu phụ, bún tươi… tăng giá so với ngày thường do nhiều lò mổ, cơ sở sản xuất chưa hoạt động.
Trong ngày 16/2, tại một số chợ dân sinh ở ngoại thành, các mặt hàng rau, thịt khá dồi dào nhưng sức mua chậm, giảm mạnh so với thời điểm cận Tết. Trong khi các loại rau xanh giá vẫn rẻ so với thời điểm trong Tết.
Cụ thể, su hào có giá 2.000-3.000 đồng/củ, rau cải cúc là 1.000-2.000 đồng/mớ, cải bắp 1.000-1.500 đồng/kg... Tuy nhiên, mặt hàng thịt lợn lại tăng nhẹ so với thời điểm cận Tết.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Năm nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên gia đình tôi đã lựa chọn ở lại Hà Nội đón Tết. Trước Tết, do lo sợ dịch bệnh nên tôi đã chủ động mua sắm dự trữ hàng hóa để sử dụng trong những ngày Tết. Sau Tết, tôi đi chợ thấy giá cả hàng hóa không tăng cao hơn so ngày thường, các mặt hàng cũng phong phú, đa dạng.
Vừa đảm bảo nguồn hàng, vừa phòng chống dịch bệnh
Để không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán 2021, ngoài việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu với lượng tăng trung bình từ 7-22% so với năm ngoái, Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp phân phối xây dựng các chương trình khuyến mại, kế hoạch bán hàng online… nhằm đáp ứng yêu cầu nhanh nhất cho người tiêu dùng và đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Đặc biệt, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị cũng sẽ tăng giờ hoạt động thêm 3-4 giờ mỗi ngày, cửa hàng tiện lợi tăng từ 2-3 giờ, đồng thời, tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo Tết an toàn cho người dân.
Nhân viên các siêu thị thực hiện đo thân nhiệt và yêu cầu người dân sát khuẩn tay trước khi vào mua hàng |
Đánh giá về tình hình thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu, Bộ Công Thương nhận định, nguồn cung và giá cả các mặt hàng nhìn chung ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá cả một số hàng hóa thiết yếu có tăng nhẹ, phù hợp với quy luật cung cầu thị trường, song không có đột biến. Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết, giá cả các ngày trong và sau Tết không biến động nhiều.
Một trong những lý do khiến thị trường hàng hóa những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu có diễn biến ổn định là nhờ sự chủ động của cơ quan chức năng, các nhà cung cấp và đơn vị bán lẻ.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, từ nhiều tháng trước Tết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, tổ chức các điểm bán, chương trình bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
“Đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố cùng 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá thông qua 12.443 điểm bán tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh... Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với năm 2020).
Cùng với đó, các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện phương án bảo đảm sản phẩm thiết yếu (tăng 2-3 lần so với ngày thường) để sẵn sàng ứng phó khi thị trường có biến động”, bà Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết.
Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, từ trước Tết các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng nhân lực tại các bộ phận đồng thời tăng thời gian mở cửa bán hàng 2-4 giờ mỗi ngày. Bên cạnh các siêu thị AEON, các cửa hàng tiện lợi như: Circle K, Family Mart… cũng mở cửa xuyên Tết. Ngày mùng 2 Tết nhiều siêu thị đã mở cửa trở lại. Cho tới ngày mùng 4 Tết, toàn bộ hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích đã hoạt động bình thường trở lại.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hoạt động mua sắm trực tuyến cũng được các siêu thị đẩy mạnh nhằm giảm lượng người tới nơi công cộng. Chỉ tính riêng tại hệ thống VinMart/VinMart+ lượng hàng hóa mua sắm qua mạng đã tăng tới 200% trong dịp Tết.