Không để hàng giả "lộng hành" trên sàn thương mại điện tử
Vấn nạn nhức nhối
Với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20 – 25%/năm, theo dự báo của Bộ Công thương đến năm 2025, tổng bán lẻ hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử sẽ đạt trên 32 tỷ USD và trở thành một kênh mua sắm quan trọng của người tiêu dùng, đặc biệt đối với người tiêu dùng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… trong thương mại truyền thống đã là vấn nạn, xảy ra ở nhiều thời kỳ, các nền kinh tế đều tìm mọi cách để giảm thiểu, khó có thể diệt trừ hoàn toàn.
Không chỉ vậy, cùng với việc xuất hiện các mô hình thương mại mới trên nền tảng điện tử mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, thì tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… trên môi trường này lại được dịp nở rộ.
Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng chủ yếu được bán online |
Chị Vũ Thị Thương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: Lâu nay, mua hàng trên sàn thương mại điện tử đã trở thành thói quen của nhiều người dân bởi nhanh chóng, tiện lợi. Tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có thể mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
“Vừa qua, trong khi lướt mạng mua sắm, tôi có thấy một sản phẩm mỹ phẩm tôi thường xuyên sử dụng, bình thường sản phẩm này được bán với giá 500.000 đồng/ một sản phẩm nhưng trên “chợ mạng” chỉ được bán với giá hơn 100.000 đồng. Mặc dù nghi ngờ nhưng tôi vẫn đặt mua với hy vọng sản phẩm nằm trong chương trình khuyến mãi, giảm giá. Thế nhưng sau khi nhận hàng, tôi mới biết đây là hàng nhái...”, chị Thương chia sẻ.
Trường hợp mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như chị Thương không phải hiếm gặp bởi hiện nay. Việc quản lý chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử cũng như qua các kênh bán hàng online gặp rất nhiều khó khăn, dẫn tới hàng giả, hàng nhái vẫn còn “đất sống”.
Thời gian qua, lực lượng chức năng, mà tiên phong là đội ngũ Quản lý thị trường cả nước, Ban Chỉ đạo 389 Trung ương và các tỉnh, Cảnh sát kinh tế…, luôn tích cực đấu tranh, ngăn chặn nhiều vụ việc lớn có vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.
Đơn cử như tại Hà Nội, mới đây, lực lượng chức năng đã kiểm tra kho hàng của chủ tài khoản Mailystyle.com ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội), phát hiện một lượng lớn sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đáng nói, tài khoản này có hàng triệu người theo dõi, có ngày “chốt” tới hàng nghìn đơn hàng.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) kiểm tra một kho hàng tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, phát hiện hơn 28.000 sản phẩm gồm mỹ phẩm, đồ gia dụng... không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Chủ hàng khai nhận, toàn bộ số hàng này được phân phối bán online... Theo Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, trong 3 năm (2020-2023), các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ gần 6.600 vụ lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả...
Có biện pháp xử lý thật nghiêm trường hợp vi phạm
Theo thống kê, hiện trên hệ thống quản lý của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số ghi nhận khoảng 900 sàn giao dịch thương mại điện tử và khoảng 48.000 website hoặc ứng dụng thương mại điện tử bán hàng trực tiếp. Nhiều sàn thương mại điện tử tuy có kiểm soát nguồn gốc đầu vào nhưng vẫn để lọt lưới cho hàng giả, kém chất lượng tuồn ra thị trường.
Chính vì thế, việc kiểm soát hình thức kinh doanh này cần phải được tăng cường và người tiêu dùng cần đặc biệt chú ý kiểm tra tính hợp pháp của những gian hàng mình tham gia mua sắm.
Lực lượng chức năng kiểm tra tại cơ sở bán hàng online |
Xác định việc ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ hàng đầu trong vòng 3 - 5 năm tới, lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Nhiều kho hàng lớn, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu bằng hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook… cũng đã bị triệt phá kịp thời.
Để giúp người dân tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân nên tìm hiểu và mua các sản phẩm chính hãng tại các cửa hàng của Nhà máy để có được sản phẩm đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn.
Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc để phát hiện, ngăn chặn cũng như có biện pháp xử lý thật nghiêm những trường hợp làm giả, làm nhái các loại sản phẩm để bảo vệ quyền lợi, lợi ích cũng như sức khoẻ người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như công an, hải quan, y tế … triển khai Quyết định số 319 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Trước mắt, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp; tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.