Kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến thủy nội địa không phép
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký ban hành Công văn số 3477/BATGT-VP về việc tập trung triển khai công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy tại các bến khách ngang sông trên địa bàn thành phố.
Theo đó, để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt tại các bến khách ngang sông trên địa bàn thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã có hoạt động giao thông đường thủy nội địa và bến khách ngang sông tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, Công an thành phố cần tăng cường tuần tra, kiểm soát để kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; tập trung kiểm tra ngay tại các bến khách ngang sông, có biện pháp bảo đảm trật tự, trật tự an toàn giao thông đối với người, phương tiện ở các bến khách ngang sông.
Tuyên truyền cho người dân đi phà trên địa bàn huyện Ba Vì. Ảnh: Chu Dũng |
Các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại các bến khách ngang sông và các phương tiện vận tải hành khách theo quy định; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các bến không phép, để phương tiện không đủ điều kiện khai thác vận tải, không bảo đảm an toàn hoạt động trong phạm vi bến.
Đặc biệt, không cho xuất bến đối với các phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn như chở quá số người quy định, thiếu thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, hành khách không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội nghiên cứu, lập quy hoạch cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu (bao gồm cả vùng đất và vùng nước) nhằm quản lý các phương tiện neo đậu có trật tự, bảo đảm công tác an ninh, trật tự xã hội.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông Sở phối hợp với các lực lượng chức năng của Công an thành phố và UBND các địa phương tăng cường kiểm tra các cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông; tập trung kiểm tra các quy định về kết cấu hạ tầng, phương tiện, người điều khiển phương tiện, đặc biệt là quy định về bảo đảm thiết bị cứu sinh và chở đúng số người quy định, phòng, chống cháy, nổ trên phương tiện.
Kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến đò ngang trái phép, các phương tiện chở khách không bảo đảm điều kiện an toàn, vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, người điều khiển phương tiện thủy nội địa không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, hoặc chứng chỉ chuyên môn không phù hợp với phương tiện điều khiển.
UBND thành phố cũng giao Sở Tài chính điều chỉnh lại giá vé đò, phà được ban hành kèm theo Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND ngày 13/3/2018 của UBND thành phố cho phù hợp với thời điểm hiện nay. Trong đó, xem xét có cơ chế đặc thù và hướng dẫn thực hiện giảm phí sử dụng dịch vụ đường thủy đối với đối tượng chính sách, các thầy, cô giáo và các em học sinh sử dụng đò ngang để đi học hằng ngày.
Tổng kiểm tra cảng, bến thủy không có giấy phép hoạt động
Trước đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có kế hoạch tổng kiểm tra cảng, bến thủy không có giấy phép hoạt động trong cả nước, dự kiến từ ngày 1/7 - 31/12.
Theo rà soát đến hết năm 2023, cả nước có 310 cảng thủy trong đó trên đường thủy quốc gia có 274 cảng. Kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát lần này nhằm đánh giá hiện trạng của hệ thống cảng, bến thủy nhất là cảng, bến thủy không có giấy phép, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy, an toàn công trình, làm cơ sở thực hiện các giải pháp siết chặt quản lý cảng, bến thủy thời gian tới.
Cảnh sát đường sông Hà Nội kiểm tra một bến đò ngang tại cảng Chèm, tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội |
Nguyên nhân số cảng, bến không phép vẫn đang gia tăng là do các địa phương điều chỉnh quy hoạch đường thủy nội địa, nên nhiều bến không còn được gia hạn giấy phép hoạt động. Ngoài ra, nhiều địa phương chưa lập, phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông đường thủy hoặc quy hoạch không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu mở bến thủy.
Thực tế, số lượng các bến thủy hoạt động không phép, bến hết hạn hoạt động chưa được cấp lại hiện nay nằm đan xen với các bến đã được cấp phép hoạt động, gây ra sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh. Các phương tiện thủy vào, rời các bến không phép không được kiểm tra, kiểm soát, nộp phí như phương tiện hoạt động tại bến có phép. Đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Do vậy, giải pháp được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề xuất, kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải là ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý đường thủy nội địa, trong đó quy định theo hướng: UBND cấp tỉnh chủ trì, tổ chức giải tỏa, cưỡng chế, giám sát các cảng, bến, khu neo đậu, vùng chuyển tải, vùng neo chờ không đủ điều kiện hoạt động và các công trình, nhà hàng nổi, khách sạn nổi hoạt động trái quy định hoặc theo đề nghị của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành