Kiều bào với nhiều hoạt động ý nghĩa tại chương trình "Xuân quê hương 2023"
Ấn tượng không gian Hội báo Xuân 2023 |
Chương trình "Xuân quê hương 2023"
Chương trình "Xuân Quê hương 2023" được tổ chức trong hai ngày 13 và 14/1/2023 dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, là hoạt động chính trị, đối ngoại, văn hóa lớn đầu năm mới 2023 nhằm kết nối kiều bào với trong nước. Đây là chương trình lớn thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về quê hương đón Tết, được bà con kiều bào chờ đón mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Các hoạt động trưng bày tại Hoàng Thành Thăng Long |
Những hoạt động trọng tâm của Chương trình “Xuân Quê hương 2023” được tổ chức tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội như: Hoạt động của Lãnh đạo Nhà nước, Bộ Ngoại giao, UBND Thành phố Hà Nội và đoàn kiều bào tiêu biểu dâng hương tại Điện Kính Thiên; Nghi lễ thả cá chép truyền thống tại Hồ sen (dấu tích của Hồ cổ) trong Hoàng Thành Thăng Long – tại Khu di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; Lễ dựng nêu (Thượng tiêu): Nghi thức không thể thiếu trong dịp tết Nguyên đán, báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu.
Không gian trưng bày Tết Nguyên đán truyền thống
Khu trưng bày không gian phong tục tết truyền thống thể hiện không khí chuẩn bị đón Tết và những tập tục trong ngày Tết nguyên đán như tục cúng gia tiên, tục treo tranh Tết, câu đối Tết, chúc Tết... Tại đây, rất nhiều khu vực được trang trí, trưng bày đậm chất xuân, Tết.
Không gian trưng bày không khí chuẩn bị đón Tết với những vật phẩm Tết Truyền thống phong phú thể hiện hi vọng về một mùa xuân đầm ấp, hạnh phúc và chào đón năm mới an khang, thịnh vượng.
Treo tranh Tết từ lâu đã là một thú chơi tao nhã, một phong tục cổ truyền đẹp trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Các dòng tranh Tết nổi tiếng là Hàng Trống và Kim Hoàng (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh) với màu sắc sặc sỡ thường được chọn treo trong dịp Tết với nguyện vọng đón chào một năm mới may mắn, bình an.
Phong tục thờ cúng ngày Tết của người Việt hướng về nguồn cội, tổ tiên nhằm thể hiện tấm lòng thành kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đậm tính nhân văn tạo nên một không khí ngày Tết thiêng liêng, đầm ấm.
Ngoài ra còn có những phong tục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Treo câu đối, đốt pháo tết, xin chữ đầu năm, mừng tuổi...
Không gian trưng bày “Cung đình ngày xuân”
Theo phong tục của người Việt và các nước Đông Á, Tết Nguyên đán là lễ tiết quan trọng, là thời khắc đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đặc biệt, tết trong cung đình còn mang vẻ độc đáo của sự tôn nghiêm và quyền lực. Một trong những nghi lễ đầu tiên quan trọng nhất trong Tết Nguyên đán là lễ Chính đán - một nghi lễ triều hội của triều Lê, tổ chức vào ngày mồng một Tết với nghi thức thiết Đại triều ở điện Kính Thiên.
Lễ Chính đán được tổ chức với nghi lễ trang nghiêm thể hiện mong muốn phồn thịnh của quốc gia, trường tồn của dân tộc, tạo ra một không khí đầu xuân, một sự khởi đầu mới với niềm hy vọng mang những dự báo tốt đẹp cho năm mới. Trong lễ Chính đán, 12 xứ trong cả nước dâng biểu chúc mừng nhà Vua. Nhân dịp này nhà Vua cũng ban yến, ban tiền thưởng xuân cho văn võ bá quan. Việc ban tiền thưởng xuân thể hiện sự quan tâm của nhà Vua với các quan và mang tính nhân văn sâu sắc.
Khu trưng bày giới thiệu về nghi lễ Chính đán thời Lê với lễ thiết triều đầu tiên thể hiện mong muốn một năm mới quốc thái, dân cường. Nghi lễ Chính đán lần đầu tiên được trưng bày diễn giải với 3 điểm nhấn: Hệ thống tranh vẽ phỏng dựng nghi lễ Chính đán trong cung đình Thăng Long thời Lê; Không gian phỏng dựng nghi thức các quan dâng Biểu chúc mừng nhà vua năm mới thêm hưởng phúc lành, sống lâu muôn tuổi; Nghi thức ban thưởng tiền xuân thông qua bộ sưu tập tiền thưởng cổ thời Cảnh Hưng của nhà sưu tầm Đức Long.
Bên cạnh đó, tại Hoàng Thành Thăng Long những ngày này còn có chương trình biểu diễn múa rối nước, rối cạn và diễn xướng phục vụ khách tham quan: 2 suất /1 ngày. Thời gian 10h sáng và 15h chiều các ngày 23, 24, 25, 26/1/2023 (tức Mùng 2 Tết đến Mùng 5 Tết Quý Mão).
Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, hòa chung cùng không khí đón chào xuân mới trong cả nước, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội lại khoác lên mình bộ áo mới. Vẫn là những cây hoa đặc trưng của mùa xuân ở các vùng miền, của Tết như hoa đào, hoa cúc, hoa lan, hoa thược dược, hoa hướng dương, hoa đỗ quyên; Cây cảnh như cây quất, cây xanh nhưng đặt vào không gian nhuốm màu cổ kính của hoàng cung xưa, vẫn thấy không khí mùa xuân ở Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội có sự khác biệt mà thật sự hấp dẫn du khách.
Đó là thảm hoa hướng dương, hoa cúc vạn thọ, hoa xác pháo đua nhau khoe sắc, vườn đào Nhật Tân, mô hình trang trí rồng thời Lê bằng thảm hoa cúc kết hợp với cụm trang trí bằng cây lá màu và hoa hướng dương tại Đoan Môn; Vườn Hồng Hậu Lâu; Cụm trang trí hoa, cây cảnh, cây ăn quả tại Điện Kính Thiên.
Do đó, du khách đến thăm Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội không chỉ được thưởng ngoạn giá trị di sản văn hóa hoàng cung, không gian Tết Việt xưa mà còn có thể lưu giữ khoảng khắc của mùa xuân với trưng bày hoa, cây cảnh di sản rực rỡ sắc màu.