Kinh nghiệm quản trị đại học và công bố bài báo quốc tế
Thành lập Tổ công tác đánh giá năng lực kinh nghiệm nhà đầu tư Chia sẻ kinh nghiệm vận động Nhân dân tham gia phòng cháy, chữa cháy |
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Quốc Bình – Chủ tịch Hội đồng Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, hội thảo gồm các nội dung: Chia sẻ kinh nghiệm quản trị đại học trong cơ chế tự chủ, xây dựng công cụ quản trị, cách quản lý công việc hiệu quả, mô hình chi trả thu nhập tăng thêm.
Các nhà giáo cũng chia sẻ kinh nghiệm quản trị đại học đang được áp dụng tại Trường Đại học Y dược Cần Thơ. Đây là cơ sở giáo dục đại học duy nhất thuộc khối sức khỏe trên cả nước thực hiện cơ chế tự chủ. Cùng với đó, chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm công bố bài báo quốc tế, nâng cao chất lượng tạp chí khoa học.
PGS.TS Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam và GS.TS Nguyễn Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Cần Thơ ký kết bản ghi nhớ hợp tác |
Theo GS.TS Nguyễn Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Cần Thơ, chỉ có tự chủ mới giúp nhà trường phát triển và hội nhập. Năm 2020, bước ngoặt mới của Trường Đại học Y dược Cần Thơ là thay đổi mô hình quản trị. Có hai phương thức: quản trị theo mục tiêu và quản trị theo quá trình. Theo đó, các trường lựa chọn phương thức tối ưu để đạt được mục tiêu tổ chức.
GS.TS Nguyễn Trung Kiên cho rằng, cả hai phương thức trên đều có ưu, nhược điểm riêng nên cần tính toán, dung hòa khi áp dụng vào thực tiễn để đạt được kết quả như mong muốn, tuy nhiên, cần lấy quản trị theo mục tiêu là chính.
Lãnh đạo hai đơn vị: Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam, Trường Đại học Y dược Cần Thơ phát biểu tại hội thảo |
Theo đó phải đặt ra mục tiêu theo từng giai đoạn chiến lược, muốn quản trị theo mục tiêu cần bảo đảm các điều kiện: Phải xác định được khung thời gian và xây dựng được mục tiêu; phải có công cụ quản lý; phải sử dụng được kết quả đánh giá.
Tham luận về mô hình quản trị chiến lược Thẻ điểm cân bằng (BSC) và chỉ số đánh giá hiệu suất công việc KPI/PI, Ths Phạm Thị Mỹ Ngọc – Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Y dược Cần Thơ nhấn mạnh đến 4 yếu tố: Mục tiêu, thước đo, giám sát tài chính hoặc quản lý; mục tiêu, thước đo, giám sát của khách hàng; mục tiêu, thước đo, giám sát quá trình nội bộ; mục tiêu, thước đo, giám sát về đào tạo và phát triển.
Chuyên gia, diễn giả chia sẻ tại hội thảo |
Ths Phạm Thị Mỹ Ngọc cho hay, quá trình hoàn thiện các thước đo trong BSC được thực hiện từ dưới lên trên, bắt đầu từ thước đo đào tạo và phát triển. Ý nghĩa cân bằng của mô hình thể hiện ở chỗ cân đối giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, tài chính và các yếu tố phi tài chính, các chỉ tiêu đầu vào, đầu ra của kết quả; các hoạt động hướng ra xã hội và các hoạt động được thực hiện vì nội bộ.
Ngoài ra, cần gán KPI tương ứng với các yếu tố mục tiêu. Dựa vào KPI định kỳ sẽ xác định được khoảng cách giữa hiệu suất làm việc thực tế và mục tiêu đã định ra. Cuối cùng là kết nối các yếu tố mục tiêu lại với nhau, hình thành mô hình BSC.
Các đại biểu tham dự chương trình |
Chia sẻ kinh nghiệm công bố bài báo quốc tế, PGS.TS Nguyễn Thắng – Phó trưởng Phòng Khoa công nghệ và Quan hệ đối ngoại, Trường Đại học Y dược Cần Thơ trao đổi, cần đến nguồn lực hỗ trợ công bố quốc tế bao gồm, các chuyên gia, đối tác, giảng viên, sinh viên.
Ngoài ra, nhà trường tác hội thảo tập huấn chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia; mời tạp chí khoa học xuất bản số đặc biệt cho trường; mời chuyên gia hỗ trợ và chỉnh sửa bài báo và mời chuyên gia hướng dẫn khoa học cho giảng viên.
Tại hội thảo, các nhà giáo, chuyên gia đã cùng trao đổi, thảo luận quanh nội dung về quản trị đại học, chia sẻ kinh nghiệm để tạp chí trong nước có điểm của Hội đồng Giáo sư Nhà nước; cách duy trì và nâng cao chất lượng tạp chí khoa học; phương pháp quản trị tạp chí. Trong khuôn khổ chương trình, hai nhà trường đã ký kết biên bản gi nhớ hợp tác...