"Kinh tế Gig” thu hút ngày càng nhiều lao động
Ra mắt Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội |
Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra ngày 2/12, tại Hà Nội, đồng chí Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã tham luận.
Xu hướng chuyển dịch lao động
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh Trần Đoàn Trung nhận định, quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, internet kết nối vạn vật, biến đổi khí hậu và những cam kết toàn cầu vì sự phát triển bền vững làm thay đổi sâu sắc nhận thức, phương thức quản trị, cách thức tổ chức sản xuất, việc làm, lao động và quan hệ lao động.
Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 cùng với những hậu quả nghiêm trọng để lại, tình hình bất ổn, khó lường về chính trị, quân sự, kinh tế thế giới đang tác động bất lợi ngoài dự báo đối với đời sống kinh tế - xã hội nói chung và lao động – việc làm nói riêng.
Dưới những tác động phức tạp đó, lao động phi chính thức đang trở thành một vấn đề cần có sự tiếp cận nghiêm túc, toàn diện, đa ngành, không chỉ từ góc độ của một địa phương, dù là đô thị hay nông thôn.
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh Trần Đoàn Trung phát biểu |
Theo Tổng Cục thống kê, đến hết quý III năm 2023, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức nước ta chiếm đến 65%, khoảng 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước với số lượng khoảng 33,4 triệu người. Thành phố Hồ Chí Minh - một đô thị đặc biệt, thu hút lượng lớn lao động từ các tỉnh, thành đến sinh sống và làm việc, riêng khu vực lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ lệ gần 48% so với tổng số lao động có việc làm với khoảng 2,3 triệu người |
Trên thực tế, các loại hình hoạt động trực tuyến, kinh tế chia sẻ hay “kinh tế Gig” dựa trên nền tảng trực tuyến có bước phát triển mạnh mẽ với môi trường lao động tự do, không bị ràng buộc về không gian, thời gian, không đòi hỏi về tiêu chuẩn nghề nghiệp, đang thu hút ngày càng nhiều lao động tham gia.
Vấn đề của lao động phi chính thức hiện đặt ra, đó là tính chất công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không đầy đủ làm hạn chế các quyền về lao động, chế độ và các đảm bảo an toàn về lao động, môi trường làm việc, khó khăn trong giải quyết tranh chấp lao động.
Khung pháp lý chưa được hoàn chỉnh nên gần như lao động phi chính thức thiếu sự đảm bảo của hệ thống an sinh xã hội. Có thể nói, lao động phi chính thức là khu vực yếu thế, gặp nhiều khó khăn, dễ bị tổn thương, trong khi họ đang là lực lượng giải quyết có hiệu quả nhu cầu về nhiều mặt của đời sống dân sinh, đặc biệt là tại các đô thị.
Đẩy mạnh thành lập các Nghiệp đoàn
Công đoàn thành phố luôn nhất quán quan điểm “thành lập các Công đoàn, Nghiệp đoàn cơ sở phải đi liền với xây dựng Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn vững mạnh đảm bảo thực hiện tốt chức năng chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động, đồng thời góp phần tích cực trong công tác an sinh, trật tự, an toàn xã hội”.
Với phương châm “nơi đâu có người lao động, nơi đó có tổ chức Công đoàn”, bằng nhiều giải pháp thí điểm, các cấp Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng trong vận động, thành lập và tổ chức hoạt động các nghiệp đoàn cơ sở khu vực lao động phi chính thức.
Đến nay đã thành lập được 134 Nghiệp đoàn cơ sở với 11.046 lao động ở các ngành nghề: Nhóm lớp mầm non, giữ trẻ gia đình; giúp việc gia đình; dịch vụ vận chuyển; thợ xây dựng; thu gom, thu gom rác dân lập; bán vé số, hàng rong, hớt tóc, sửa chữa, rửa xe ô tô, xe gắn máy, buôn bán thức ăn đường phố...
Đồng chí Trần Đoàn Trung cho biết, đến nay, Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập được 134 Nghiệp đoàn cơ sở |
Trên cơ sở tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở, các cấp Công đoàn thành phố đã triển khai một số giải pháp cụ thể. Đó là tiếp cận có định hướng, mục tiêu cụ thể đối với người lao động theo ngành nghề ở từng địa bàn; phối hợp các ngành chức năng tổ chức khảo sát nắm bắt số lượng lao động phi chính thức đang làm việc trên địa bàn phường – xã – thị trấn; hỗ trợ về kinh phí nhằm tạo điều kiện hoạt động ban đầu cho các Nghiệp đoàn.
Việc hình thành các Nghiệp đoàn trước hết là phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau về nghề nghiệp, khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Kế đến là để người lao động có chỗ dựa, từng bước tham gia vào các hoạt động có tổ chức…
Kịp thời đổi mới, sáng tạo
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra trong nhiệm kỳ 2023 – 2028 là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp người lao động khu vực phi chính thức.
Nhiệm vụ trọng tâm này hướng đến 3 mục tiêu: Thể hiện sự đồng hành, hỗ trợ chân thành của Công đoàn Việt Nam đối với rộng rãi người lao động; xây dựng, củng cố hình ảnh, vị thế của Công đoàn Việt Nam trong người lao động và cộng đồng xã hội; tham gia một cách thiết thực vào nhiệm vụ quản lý Nhà nước, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sẽ đưa ra những quyết định cho sự phát triển tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới |
Với nhận thức đó, các cấp Công đoàn thành phố sẽ tiếp tục tập trung một số giải pháp như củng cố, tạo điều kiện hỗ trợ về tài chính, địa điểm sinh hoạt, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng để các nghiệp đoàn hoạt động nề nếp, hiệu quả; từ đó tạo sự lan tỏa thu hút người lao động tham gia, thành lập Nghiệp đoàn rộng khắp trên các địa bàn, lĩnh vực.
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai mạnh hơn các hoạt động hỗ trợ như trao phương tiện sinh kế, hỗ trợ bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế; hướng dẫn kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng phòng vệ; tiếp nhận, thực hiện ủy quyền bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho đoàn viên Nghiệp đoàn trong các tranh chấp lao động.
Liên đoàn Lao động thành phố số hóa dữ liệu đoàn viên, Nghiệp đoàn cơ sở, từng bước chuẩn hóa công tác quản lý đối với Nghiệp đoàn, kết nối chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số của Công đoàn Việt Nam, tạo điều kiện để người lao động tiếp cận thuận tiện hơn và thụ hưởng phúc lợi của Công đoàn Việt Nam.
Đồng chí Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Thứ nhất, lao động phi chính thức là một vấn đề phức tạp, hiện có những cách hiểu và ứng xử khác nhau ở các quốc gia. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thì khu vực này vẫn là nơi có thể giúp giải quyết một phần lớn vấn đề việc làm và các dịch vụ xã hội. Vì thế, cần thiết phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến khu vực phi chính thức, trong đó, quan tâm các nội dung liên quan đến môi trường, điều kiện làm việc, các cam kết đối nhân, việc tham gia vào hệ thống an sinh xã hội kể cả tự nguyện hoặc bắt buộc. Thứ hai, tạo điều kiện, tạo cơ chế hỗ trợ để lao động khu vực phi chính thức được đào tạo nghề, tìm kiếm cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp. Có chính sách phù hợp giúp đỡ lao động khu vực phi chính thức vượt qua những biến cố ngặt nghèo mà dại dịch COVID-19 vừa qua là một minh chứng thực tế sống động. Thứ ba, với Đại hội XIII và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng sẽ có sự đổi mới thực chất tổ chức và hoạt động thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ, Luật Công đoàn sắp tới đây. Công đoàn Việt Nam sẽ linh hoạt hơn trong tổ chức và sử dụng tài chính Công đoàn nhằm tăng cường hiệu quả tiếp cận, vận động, tập hợp người lao động khu vực phi chính thức”. |