Gỡ khó cho hợp tác xã trong mùa dịch
HTX khó tiếp cận nguồn vốn vay
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất tiền vay, giảm giá tiền điện… Cụ thể là, cho HTX vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động; Giảm giá điện bán lẻ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; Giãn nộp thuế giá trị gia tăng… Tuy nhiên, khả năng nắm bắt và tiếp cận chính sách của các HTX còn rất hạn chế.
Trong những chính sách hỗ trợ HTX giai đoạn này, đáng chú ý nhất là chính sách hỗ trợ về vốn. Thực tế cho thấy, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các HTX còn nhiều vướng mắc. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc khó tiếp cận nguồn vốn này. Trước hết là do năng lực tài chính, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất của HTX còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh hiện nay.
Ví như việc để triển triển khai một dự án mới khi vay vốn đòi hỏi bản thân HTX phải có nguồn vốn tự có đối ứng từ 20-30%, vốn đầu tư của dự án, đây là một yêu cầu bắt buộc khi vay vốn mà rất nhiều HTX hiện nay khó đáp ứng được.
Trình độ chuyên môn và năng lực quản lý, điều hành của Hội đồng quản trị, cán bộ quản lý HTX còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được so với cơ chế quản lý mới, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, mới được tập huấn ngắn hạn, không được đào tạo cơ bản và ít được cập nhật những kiến thức mới.
Cánh đồng Sâm Bố Chính ở hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, Hà Nội (Ảnh tư liệu) |
Điều quan trọng là, hiện nay một số HTX chưa mở đầy đủ hệ thống sổ sách theo quy định, chưa thể hiện đủ minh bạch mọi hoạt động của HTX. Ngoài ra, thiếu hệ thống báo cáo chuẩn về tình hình tài chính; Sổ sách kế toán chưa đáp ứng yêu cầu của tổ chức tín dụng nên các ngân hàng khó đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX trong những năm liền kề để thẩm định và quyết định việc cho vay; Trong trường hợp đã cho vay rồi thì khó kiểm tra được tình hình sử dụng vốn vay, hiệu quả của việc sử dụng vốn vay của HTX.
Liên kết trong sản xuất của các HTX còn hạn chế, chủ yếu quy mô nhỏ, chưa hình thành các chuỗi liên kết sản xuất với từ đầu vào - sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nên còn nhiều rủi ro về thị trường, giá cả.
Trong khi đó, hiện nay các chính sách tín dụng hỗ trợ về cơ chế, chính sách nhưng các tổ chức tín dụng cho vay tự chịu trách nhiệm khi rủi ro xảy ra, trong khi nhu cầu vay từ các HTX chủ yếu với hình thức không đảm bảo tài sản nên một số các ngân hàng vẫn còn e dè khi cho vay vốn đối với HTX, chủ yếu cho vay trực tiếp các thành viên của HTX. Thêm vào đó, đối tượng vay là HTX chứa đựng rất nhiều rủi ro làm cho các tổ chức tín dụng e ngại trong việc cấp tín dụng.
Giải pháp gỡ khó cho HTX
Để tạo thuận lợi cho các HTX tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ thì ngoài việc các HTX phải tự phát huy nội lực, khắc phục những thiếu sót đã nêu trên còn rất cần sự tác động tích cực từ ngoại lực.
Theo đó, công tác tuyên truyền, tư vấn chính sách cho các HTX là giải pháp cần được đẩy mạnh trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp không bỏ sót những đối tượng thực sự cần được hỗ trợ. Bên cạnh đó, cơ chế thực thi chính sách đối với các HTX cũng cần đơn giản, rõ ràng, dễ tiếp cận và dễ thực hiện hơn.
Trong một hội nghị gần đây, bà Lê Thị Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Lý (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, dù HTX tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động nhưng các chính sách hỗ trợ HTX hiện nay vẫn còn hạn hẹp. Đáng chú ý, trong thời điểm dịch Covid-19, HTX chỉ được vay vốn hơn 10 triệu đồng, dựa trên số lượng người được đóng BHXH, trong khi các doanh nghiệp được vay vốn nhiều hơn.
Bà Hương cũng mong muốn sẽ có chính sách riêng cho HTX trong ngành nông nghiệp. Vì chính sách chung chung sẽ khiến toàn bộ HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng sẽ thiệt thòi mãi, có chính sách nhưng không được hưởng.
Liên quan đến tiếp cận nguồn vốn tín dụng, bà Đỗ Thị Hiệp, Giám đốc HTX Chè Tân Hương (tỉnh Thái Nguyên) cũng từng nêu khó khăn của HTX về vốn để xây dựng trụ sở và nhà xưởng ổn định; Tiêu thụ được hết sản phẩm cho thành viên trong khi không có tài sản để thế chấp vay vốn từ ngân hàng. Chính vì vậy, bà Hiệp đề nghị Chính phủ, bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện để HTX được vay các nguồn vốn với lãi suất thấp và bằng tín chấp.
Xã viên chăm sóc Sâm Bố Chính ở Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, Hà Nội (Ảnh tư liệu) |
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nêu giải pháp: "Ưu tiên bố trí và lồng ghép các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới để thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX".
Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vừa ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012. Mục đích là nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong tổ chức thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012; Đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX.
Theo kế hoạch dự kiến, từ tháng 10 đến tháng 12/2021 sẽ tổng kết toàn quốc Luật Hợp tác xã năm 2021. Như vậy, đây được xem là dấu mốc quan trọng để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện, đưa pháp luật vào cuộc sống, giúp HTX gỡ khó trong hoạt động.