Kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi nhưng xuất hiện thách thức mới
Nhận định trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết tại Diễn đàn Dự báo Kinh tế Việt Nam 2022 - 2023 diễn ra sáng 12/5.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đi qua 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực.
Từ đầu năm đến nay, nước ta đã chứng kiến một số dự báo lạc quan từ các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023; Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%.
Đồng thời, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dù hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin rằng, tại Việt Nam, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023...
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương |
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, các quyết sách nới lỏng các quy định chống dịch và tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ đã giúp các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, tin tưởng, lạc quan về tương lai nền kinh tế Việt Nam.
Cũng theo Thứ trưởng, mặc dù được các tổ chức quốc tế dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế, nhưng Việt Nam cần nhìn nhận một thực tế là khó khăn, thách thức đang ngày càng lớn khi đại dịch COVID-19 chưa kết thúc trong bối cảnh bức tranh kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn.
Theo đó, trên trường quốc tế, kinh tế Mỹ đang cho thấy những dấu hiệu chững lại, lạm phát tăng cao, khả năng thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ cao trong khi sức mua bị giảm thấp. Kinh tế Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái khi giá dầu và giá kim loại tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraina. Kinh tế Trung Quốc đứng trước rủi ro tăng trưởng chậm lại…
Tại khu vực ASEAN, tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu có dấu hiệu giảm động lực, chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) tháng 3/2022 ở 51,7 điểm, là mức thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây. Đặc biệt, lạm phát đang gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới do giá năng lượng, lương thực trên toàn cầu tăng mạnh, đã và đang tạo tác động dây chuyền đến giá cả các hàng hóa, dịch vụ khác.
Cũng tại diễn đàn, dự báo lạm phát Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, lạm phát của nước ta có thể vượt qua ngưỡng 4% trong năm nay và vượt ngưỡng 5% trong năm 2023.
Ông Lâm đề xuất 8 giải pháp để lạm phát Việt Nam cả giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 4%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong kiểm soát lạm phát cả thời kỳ kế hoạch 5 năm.
Theo đó, nhóm giải pháp bao gồm tháo bỏ rào cản pháp lý, điều hành linh hoạt các chính sách tài khoá, tiền tệ, kiểm soát giá xăng dầu và vật liệu đầu vào cũng như nâng cao năng lực thích ứng, quản trị của doanh nghiệp...