Kon Tum: Đèo Lò Xo nát như "chiếc áo rách"
Kon Tum: Cảnh báo nguy cơ sạt lở đất trên Quốc lộ 14 Kon Tum: Nhiều địa phương bị thiệt hại do mưa lớn kéo dài Kon Tum: Yêu cầu theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất |
Đèo Lò Xo nối 2 tỉnh Kon Tum - Quảng Nam và được xem là tuyến đường huyết mạch trong việc thông thương, kết nối giữa vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải miền Trung (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Đèo Lò Xo nằm trên trục Quốc lộ 14 nối 2 huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) và huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) với chiều dài khoảng 37km. Đây được xem là tuyến đường huyết mạch và vô cùng quan trọng trong việc thông thương, kết nối giữa vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải miền Trung.
Đèo Lò Xo từ xưa được cánh tài xế ví như cung đường “tử thần” khi có nhiều khúc cua tay áo, đường dốc quanh co, vực sâu thăm thẳm. Chính sự nguy hiểm đó, có không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra khiến con đường này càng trở nên ám ảnh.
Nền đường không đảm bảo và xuất hiện mưa nhiều đã khiến từng phiến bê tông bị nứt vỡ khắp mặt đường (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Thời gian gần đây, báo Tuổi trẻ Thủ đô liên tục nhận được phản ánh của người dân về việc tuyến đèo Lò Xo đang bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra khi xe bị vỡ lốp.
Chiều 30/7, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có mặt tại đèo Lò Xo, thuộc xã Đăk Man, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum). Theo quan sát, tại nhiều vị trí dọc tuyến đèo Lò Xo, xuất hiện tình trạng vỡ bê tông khắp mặt đường.
Tình trạng nứt vỡ bê tông có nguy cơ tai nạn giao thông cao (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Tại nhiều vị trí có nền đường yếu, từng phiến bê tông bị nứt, vỡ có khe hở rộng nhô lên khỏi mặt đường. Một số vị trí, tình trạng bê tông nứt, vỡ dài hàng chục mét, các phương tiện khi di chuyển qua không còn chỗ để tránh né.
Anh A Hùng (trú tại xã Đăk Man, huyện Đăk Glei) cho biết: “Đèo Lò Xo là tuyến đèo dài, quanh co và vô cùng nguy hiểm. Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra trên tuyến đèo do mặt đường rất xấu. Thời gian gần đây, mặt đường xảy ra tình trạng nứt vỡ bê tông, nhiều phương tiện khi di chuyển đều phải cố gắng đi thật chậm nhưng cũng không tránh khỏi bị bể lốp xe do cứa vào các khối bê tông đã vỡ”.
Nhiều phương tiện phải di chuyển chậm để tránh bị bể lốp xe (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Anh Nguyễn Văn Mạnh, chủ xe Mạnh Dung (chạy tuyến Đắk Lắk – Bắc Giang) nói vui: “Đèo Lò Xo nát như "chiếc áo rách”. Chúng tôi thấy, đơn vị quản lý đường bộ sửa chữa, nâng cấp liên tục nhưng được một thời gian ngắn bê tông lại bắt đầu vỡ vụn”.
Thời điểm này, Tây Nguyên bước vào mùa mưa bão, nên khi các xe di chuyển qua đây vào buổi đêm sương mù dày đặc, tầm nhìn bị hạn chế. Việc tuyến đèo Lò Xo bị nứt vỡ, hư hỏng mặt đường vô cùng nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Bạn đọc ví von đèo Lò Xo nát "như tấm áo rách" (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Trần Thái Hòa, Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ III.4 (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: “Việc nứt vỡ bê tông tại một số vị trí trên đèo Lò Xo chúng tôi đã có kế hoạch trình Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt kế hoạch sửa chữa vào năm 2025. Hiện nay, các đơn vị thi công tiến hành khắc phục các vị trí bị nứt vỡ bê tông dọc tuyến đèo Lò Xo, nhưng do thời tiết xuất hiện mưa nhiều nên chưa thực hiện được”.