Kỳ 1: Hiểm họa khôn lường khi ăn các loại thịt chim hoang dã
Tới vườn cò nhưng chỉ thấy cò trên... bàn nhậu
Cùng với hình thức du lịch sinh thái nở rộ tại các vùng ngoại thành như huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì... hàng loạt các nhà hàng bán các loại đặc sản "chim to dần" cũng đua nhau mọc lên.
Các khu sinh thái này vốn là điểm dừng chân, cư trú của hàng vạn con chim ngói, chim cu, cò, vạc... Điều đáng buồn là thay vì du lịch sinh thái ngắm các loại chim hoang dã thì chúng lại trở thành "mồi nhậu" để phục vụ các thực khách. Những món ăn từ các loại chim trời cũng được chế biến, phục vụ công khai.
![]() |
Các loại chim hoang dã được nhốt để chờ... làm thịt tại các nhà hàng trong khu du lịch sinh thái |
Trong vai một thực khách có mặt tại nhà hàng trong khu vực vườn cò tại huyện Ba Vì, chúng tôi được nhân viên phục vụ các món nướng đa phần từ chim thiên nhiên, hoang dã như cò, vạc... Gần như bàn nhậu nào cũng có một, hai đĩa thịt chim hoang dã, khách mặc nhiên ăn uống. Mỗi con cò, vạc sau khi được vặt lông, quay chín vàng ươm được bán với giá khoảng 200.000 đồng/con.
Khá đông các đoàn xe ôtô khách đến thăm qua các khu sinh thái nhưng thực chất là đến để ăn thịt cò, vạc, chim chóc các loại. Điều này cho thấy ý thức bảo tồn động vật hoang dã nói chung, chim tự nhiên nói riêng của một bộ phận người dân còn thấp.
Chị Nguyễn Huyền (ở quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Cuối tuần vừa qua, gia đình tôi đưa con nhỏ đến một vườn cò tại huyện Ba Vì. Cứ nghĩ đến nơi trẻ con sẽ tận mắt chứng kiến nơi sinh sống của hàng trăm loài chim trời, cò, vạc tự do bay lượn trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ thế nhưng đáng buồn là ở đây chúng tôi không hề nhìn thấy con chim nào bay lượn tự do. Bởi chúng đa phần bị nhốt trong chuồng chờ... làm thịt.
Tôi không khỏi băn khoăn khi con gái tôi hỏi "Mẹ ơi sao chỉ thấy con vạc... nằm trên đĩa". Hoạt động du lịch sinh thái lâu nay gắn liền với việc giáo dục con người tình yêu thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã... Tuy nhiên, nếu du lịch sinh thái gắn với việc biến chim trời thành mồi nhậu thì rất phản cảm".
![]() |
Thực khách tham quan tại các khu sinh thái vườn cò nhưng chỉ thấy cò, vạc nằm trên... đĩa |
Đây cũng là một thực tế đáng buồn xảy ra ở nhiều điểm du lịch sinh thái tại các huyện ngoại thành. Từ những địa điểm đẹp có quần thể du lịch sinh thái hấp dẫn được thiên nhiên ban tặng, chúng đang dần bị tận diệt, khai thác biến thành các điểm du lịch "bê tông hóa".
Khách du lịch không khỏi xót xa khi "đất lành chim lại bị... nhậu" mang lại những hình ảnh rất phản giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ động thực vật.
Số lượng bao nhiêu cũng có...
Không chỉ trở thành "đặc sản" tại các nhà hàng trong các khu du lịch sinh thái, lần theo những đầu mối chào bán các món ăn chế biến từ các loại chim trời, chúng tôi cũng dễ dàng kết nối với hàng loạt hội nhóm trên mạng xã hội chuyên bán đặc sản này "số lượng bao nhiều cũng... có".
![]() |
Các loại thịt chim hoang dã được chào bán công khai trên các mạng xã hội |
Trên các chợ online tại mạng xã hội, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm hàng chục bài viết rao bán thịt cò, vạc và các loại chim trời với mức giá siêu rẻ. Việc mua bán giao hàng cũng thu hút rất nhiều người bình luận đặt hàng.
Người bán cam kết có thể gửi chim sống qua xe khách vận chuyển lên Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc "đảm bảo hàng tươi roi rói". Tận dụng sự nở rộ của mạng xã hội, nhiều đối tượng đã công khai rao bán các mặt hàng thịt chim trời, cò, vạc trên chợ "ảo" với những hình ảnh trực quan vô cùng sống động.
Trong các nhóm từ kín đến công khai như "Chợ cò thit"; "Chim rừng thịt", "Chợ đầu mối hàng đông lạnh", "Hội chim đêm Miền Bắc"... công khai rao bán hàng loạt các loại chim hoang dã như sâm cầm, vạc, cò trắng, mòng két. Thậm chí, các đối tượng còn rao bán công khai các loại bẫy chim, cách thức sử dụng bẫy chim, dụng cụ chuyên dụng để săn bắt chim đêm...
Tham gia vào các hội nhóm này, chúng tôi mới thấy rùng mình vì mức độ tân diệt chim trời của các thành viên trong nhóm. Họ ngang nhiên có những cuộc giao dịch công khai mua bán, dạy nhau cách bẫy được nhiều loại chim vào buổi đêm, đăng tải các hình ảnh "khoe" thành tích bắt được hàng bao tải chim trời...
![]() |
Từ hàng tươi sống đến hàng làm thịt sẵn đều được rao bán và vận chuyển tận nơi cho thực khách |
Các sản phẩm động vật hoang dã như chim trời, thú rừng hoang dã lâu nay vẫn được nhiều người săn lùng bởi họ cho rằng những gì thuộc về tự nhiên, hoang dã thì rất quý hiếm, bổ béo và "sạch".
Thậm chí, nhiều thực khách cho rằng các loại chim thiên nhiên không bị nuôi nhốt và cho ăn các loại cám tăng trọng, sử dụng các loại hoá chất như các loại gia cầm thông thường. Việc ăn những thứ này càng thể hiện họ là người sành điệu, biết thưởng thức.
Do đó, mặc dù biết rõ các hành vi bắt bẫy, buôn bán chim và thú hoang dã là vi phạm pháp luật nhưng bằng nhiều cách khác nhau, những kẻ tận diệt chim trời và các thực khách "sành ăn" vẫn kết nối được với nhau để thực hiện các hành vi mua bán, trao đổi những con chim thiên nhiên vô tội.
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Sẽ kiểm tra đột xuất bếp ăn, căng tin trong các trường ĐH, CĐ

Bếp ăn trường TH Lê Ngọc Hân chưa đảm bảo quy tắc 1 chiều

Sẽ có 3 đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất bếp ăn tập thể

Xác định rõ vi phạm về an toàn thực phẩm, công khai xử lý

Kiểm tra đột xuất bếp ăn tập thể của Trường tiểu học Ngọc Khánh
Kiểm tra an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất bánh Gia Trịnh Bakery

Hà Nội chấn chỉnh, siết chặt an toàn thực phẩm trường học

Tăng cường kiểm tra, giám sát kê đơn thuốc, sữa, thực phẩm chức năng

Cảnh báo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có dấu hiệu quảng cáo "nổ"
