Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các món gỏi, thịt tái
Ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm Ngộ độc thực phẩm - Ám ảnh mùa du lịch Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể Mất an toàn thực phẩm trong...tủ lạnh |
Thói quen nguy hiểm
Trong các bữa liên hoan hoặc trên bàn nhậu, những món ăn quen thuộc được chế biến từ các loại thịt tái, sống như bê, dê tái chanh, bò tái, thịt lợn tái chanh, gỏi cá, nem chua, tôm tái cuốn lá cải hay tiết sống động vật... được rất nhiều người ưa chuộng bởi vị ngon vừa miệng, đặc biệt thích hợp lai rai trong những cuộc nhậu. Nếu đảm bảo nguồn thực phẩm cung cấp đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, thì khi ăn những món tái vẫn giữ nguyên hàm lượng dinh dưỡng và không gây hại cơ thể.
Tuy nhiên, ở nước ta, khi thưởng thức các món ăn này, người sử dụng không thể tránh khỏi nguy hiểm rình rập đến sức khỏe bởi nguồn cung cấp thực phẩm thiếu an toàn. Ẩn sâu trong những món ăn đó, chứa vô vàn những loại vi khuẩn, ký sinh trùng như giun sán, thậm chí là vi khuẩn liên cầu lợn gây chết người.
Bên cạnh đó, nhiều món gỏi như nem chua, cá sống, hải sản như tôm, sứa trộn xoài xanh, chuối xanh, đu đủ xanh... khá hợp với thời tiết mùa hè, bởi các món này hấp dẫn với vị thanh mát của quả kết hợp cùng vị đậm đà của thịt lợn, hải sản nên càng thu hút đông đảo người ăn.
Những món gỏi như cá sống tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm nếu quá trình chế biến không đảm bảo an toàn |
Những món thịt cá, tôm, cua sống được nhúng qua nước chanh hoặc nước tương trộn cùng một số loại rau, củ, quả cũng được thực khách ưa chuộng vì cho rằng cách ăn này giữ được vị tươi ngon của hải sản và không bị ngấy. Thậm chí, một số người còn lầm tưởng rằng, cách chế biến đó khiến món ăn bổ dưỡng hơn.
Trên thực tế, việc sử dụng các loại thịt chưa chín kỹ để làm gỏi có thể gây ngộ độc thực phẩm, nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng... Việc ăn sống các loại cá, tôm, sò, ốc, hến, mực, bạch tuộc cũng vậy - rất dễ nhiễm ký sinh trùng. Nhiều ca ngộ độc thực phẩm được ghi nhận sau khi sử dụng các món gỏi trộn cùng hoa quả xanh.
Theo nghiên cứu, có khoảng 50 loại giun sán ký sinh được tìm thấy ở thủy sản, một số loại có thể gây chết người. Trứng giun sán trên sông biển ao hồ, trung chuyển qua ốc, tôm, cua rồi ẩn sâu vào thịt cá. Với những món tái như gỏi, trứng giun sán vẫn sống trong miếng thịt và theo đường tiêu hóa xâm nhập vào cơ thể người. Sau đó, ấu trùng này sẽ nở thành giun sán và bắt đầu gây bệnh.
Khi ăn thực phẩm tái chưa nấu chín, nguy cơ nhiễm ấu trùng sán dây lợn khá cao. Bệnh nhân khi ăn phải thịt nhiễm ấu trùng giun sán chưa được nấu chín, ấu trùng sẽ theo đường tiêu hóa trú tại dạ dày và ruột non. Sau 24h, những ấu trùng này phát triển trưởng thành và ký sinh trong niêm mạc ruột, gây ra những vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe. Vài ngày sau, vi khuẩn, giun sán sẽ sinh sôi, nảy nở một cách chóng mặt, tạo kén, xâm nhập vào hệ tuần hoàn, cơ hoành và các tổ chức cơ vân làm hại cơ thể.
Thời gian ủ bệnh cũng khá lâu, 30- 45 ngày tùy thể trạng và lượng ấu trùng có trong cơ thể. Như kén giun xoắn có thể tồn tại trong cơ thể từ vài năm, thậm chí là vài chục năm.
Người dân cần tuân thủ quy tắc ăn chín, uống sôi
Theo các chuyên gia y tế, khi sử dụng thực phẩm chưa được nấu chín, người dùng có thể bị nhiễm giun sán với các biểu hiện đau bụng từng cơn, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng, thiếu máu, người xanh xao, ngứa, mề đay, suy nhược cơ thể. Đặc biệt, một số người còn có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết dưới giác mạc, võng mạc, sốt nhẹ, sốt tăng dần, đau cơ, ớn lạnh, mệt mỏi... Thậm chí, có người còn bị viêm màng não mủ, tụt huyết áp.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm |
Ngoài nguy cơ nhiễm giun sán, các món ăn tái/ sống nếu được chế biến từ thực phẩm không an toàn, có chứa vi khuẩn tụ cầu, liên cầu, E.Coli thì có thể gây bệnh cho người qua đường tiêu hóa. Triệu chứng lâm sàng khi nhiễm E.Coli bao gồm đau bụng và tiêu chảy cấp, phân lẫn máu, có thể kèm sốt hoặc nôn. Một số trường hợp nặng gây hội chứng tan máu suy thận cấp, tăng urê huyết, đây là nguyên nhân chính gây tử vong (hay gặp ở trẻ nhỏ và người cao tuổi).
Ngoài ra, nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn thực phẩm chế biến tái sống cũng ngày càng phổ biến. Bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần.
Những người bị nhiễm trùng huyết phải điều trị đến 2 tháng, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không. Nếu thấy người bệnh có biểu hiện sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ, khó thở, gia đình nên lập tức đưa đến bệnh viện, tránh nguy cơ tử vong.
Để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm ấu trùng giun sán, khuyến cáo dành cho mọi người là, nên thực hiện nghiêm việc ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch và dụng cụ làm bếp sau khi chế biến. Ngoài ra, không nên ăn những món ăn chưa được nấu chín, vì tất cả các món ăn từ thực phẩm sống đều có thể là nguy cơ và nguồn lây nhiễm ký sinh trùng, vi trùng nguy hiểm.