Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tô Hiệu: Hoa đào vẫn nở rực rỡ trên phế tích nhà tù tàn ác!
Tự hào những người lính trẻ... |
Tinh thần cách mạng cháy rực trong tù ngục
Buổi sáng cuối tiết Xuân, bầu trời Tây Bắc nặng nề sương mù, tựa như một cái bát khổng lồ úp xuống thành phố Sơn La. Mưa nhẹ, thời tiết lạnh lẽo khiến chuyến thăm nhà tù Sơn La của chúng tôi ngay từ đầu đã có mang cảm giác hơi buồn bã.
Trên đỉnh đồi Khau Cả, khuất phía sau trụ sở UBND tỉnh Sơn La (cũ), cây đào Tô Hiệu vẫn rung rinh trong gió, những nụ hoa phớt hồng vẫn khoe sắc... đối lập hoàn toàn với sự cô quạnh và ghê rợn của những tháp canh xù xì và tường đá tróc lở của di tích nhà tù Sơn La.
Nói như chị Cầm Thị May, cán bộ Bảo tàng Sơn La, thì: "Cây đào Tô Hiệu thể hiện cho tinh thần bất khuất của các chiến sĩ cộng sản ở nơi này”.
Đồng chí Tô Hiệu (1912-1944), nguyên Bí thư Liên khu B (bao gồm các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ, Hải Dương, Hưng Yên và kiêm Bí thư Thành ủy Hải Phòng), nguyên Bí thư Chi bộ Nhà tù Sơn La |
Khởi thủy của nhà tù Sơn La chỉ là nhà tù hàng tỉnh mang tên “Prison de Vạn Bú” với chức năng là giam giữ những tù nhân thường phạm. Tuy nhiên, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo Nhân dân ta vùng lên đấu tranh chống đế quốc phong kiến thì nhà tù Sơn La thay đổi hẳn tính chất, nên được đổi tên là “peni tencier de Son La”.
Lúc này, đối tượng giam giữ không chỉ là tù thường phạm ở địa phương nữa mà cả tù chính trị thuộc các đảng phái, trong đó chủ yếu là tù cộng sản. “Từ đây, nhà tù Sơn La không còn tính chất của nhà tù như trước nữa mà trở thành trung tâm giam cầm đày ải những người yêu nước và đúng như cái tên của nó được đổi lại là ngục Sơn La”, bà Vũ Thị Linh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Sơn La, cho hay.
Nhà tù Sơn La từng giam giữ hơn 1.000 người tù cộng sản |
Trong hơn một nghìn người tù cộng sản từng bị đày đọa tại Sơn La, có rất nhiều cái tên kiên trung, ví như Lò Văn Giá, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Văn Tiến Dũng... Nổi bật như một ngôi sao chói sáng giữa những danh nhân ấy là đồng chí Tô Hiệu (1912-1944). Con người cách mạng ấy không bị cảnh ngục từ gian khổ làm khuất phục, ngược lại, ông biến hoàn cảnh chông gai trở thành nơi tôi luyện ý chí, không những thế, còn khiến cho ngọn lửa đấu tranh cháy rừng rực giữa những tù nhân của thời đại.
Các hình cụ để giam cầm, tra tấn tù nhân tại nhà ngục Sơn La |
Linh hồn của Chi bộ nhà tù Sơn La
Trong cuốn “Tinh thần Tô Hiệu”, Đại tướng Văn Tiến Dũng (nguyên Ủy Viên Bộ chính trị, Bộ trưởng bộ Quốc phòng, người bạn tù của Tô Hiệu), kể lại: “Tuy thể xác bị bệnh lao phổi tàn phá nhưng đồng chí (Tô Hiệu) vẫn vượt lên bệnh tật, tổ chức công tác tuyên truyền cách mạng. Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, mở các lớp học văn hóa, chính trị, quân sự, bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn các cuộc đấu tranh. Tinh thần hy sinh tận tụy vì Đảng, vì dân của anh có sức cuốn hút, thuyết phục cảm hóa rất lớn. Đồng chí là người thầy, người anh được mọi người tin yêu cảm phục”.
Tượng bán thân đồng chí Tô Hiệu tại Bảo tàng Sơn La |
Các tài liệu lịch sử ghi lại, đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hải Dương (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Là con trai út trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước, ông giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn nhỏ (14 tuổi). Cuối năm 1929, đồng chí vào Sài Gòn hoạt động với anh trai là Tô Chấn. Hai anh em bị bắt trong một cuộc họp và bị đầy ra nhà tù Côn Đảo. Tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí bị thực dân Pháp giam cầm và tra tấn rất dã man. Chế độ nhà tù hà khắc đã làm đồng chí Tô Hiệu bị lao phổi nặng. Năm 1934, ông mãn hạn tù trở về quê hương.
Mặc dù bị quản thúc chặt chẽ, đồng chí Tô Hiệu vẫn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng; Tham gia lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ Dông Dương và được bầu vào Thượng vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong hai năm 1936 - 1937, ông tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng tại Hà Nội và một số tỉnh khác.
Năm 1938 - 1939, ông được điều vè đặc trách Bí thư Liên khu B (bao gồm các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ, Hải Dương, Hưng Yên và kiêm Bí thư Thành ủy Hải Phòng ). Cuối năm 1939, ông bị bắt và bị giam tại nhà tù Hải Phòng, nhà tù Hỏa Lò rồi bị kết án 5 năm khổ sai và bị đày lên nhà tù Sơn La vào cuối năm 1940.
Học tập, nâng cao bản lĩnh cách mạng trong hoàn cảnh tù đày |
Con người cộng sản của đồng chí Tô Hiệu càng tôi luyện và thể hiện nổi bật trong 4 năm bị giam cầm ở Nhà tù Sơn La, tên tuổi của ông được gắn liền với chi bộ nhà tù. Tại đây, ông bị thực dân Pháp coi là nhân vật cực kỳ nguy hiểm, lấy cớ ông bị lao phổi nặng lên biệt giam ở xà lim hình tam giác, diện tích chưa đầy 4m2 và cách ly hoàn toàn với các tù nhân khác.
Trong hoàn cảnh đó, với kinh nghiệm hoạt động cách mạng và từng trải qua các lao tù, ông đã tìm cách liên lạc với các tù nhân chính trị và tham gia lãnh đạo đấu tranh. Ông đã cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và một số đồng chí khác thành lập chi bộ nhà tù để đưa ra đường lối và nhiệm vụ cụ thể lãnh đạo của hoạt động của tù nhân chống lại chế độ nhà tù hà khắc, bảo toàn lực lượng cách mạng.
Tháng 5/1940, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ Nhà tù Sơn La. Có thể nói, đồng chí Tô Hiệu chính là linh hồn của Chi bộ Nhà tù Sơn La. Từ khi chi bộ ra đời, các hoạt động cách mạng trong nhà tù đã có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, có phương hướng rõ ràng, có tổ chức và phương pháp lãnh đạo đúng đắn.
Vì thế, đời sống của tù nhân được cải thiện rõ rệt, tổ chức được nhiều cuộc đấu tranh thắng lợi; Tuyên truyền cho binh lính và đồng bào địa phương hiểu về người cộng sản, từ đó yêu quý và bả vệ những người cộng sản, bồi dưỡng nhiều cán bộ cho Đảng, đóng góp gieo mầm phong trào cách mạng cho tỉnh Sơn La.
Đồng chí Nguyễn Văn Trân, cựu tù chính trị tại Nhà tù Sơn La, kể lại: Những thành công to lớn của Chi bộ Nhà tù Sơn La có sự đóng góp công đầu của đồng chí Tô Hiệu. Với bản lĩnh chính trị kiên cường, tinh thần trách nhiệm cao, rất nhạy cảm với cái đúng, cái sai, giải quyết công việc thận trong, chính xác, phẩm chất trong sáng, chí công vô tư, tận tụy hy sinh vì cách mạng. Đồng chí Tô Hiệu đúng là người con cộng sản mẫu mực, người lãnh đạo xuất sắc hiếm có.
Hình ảnh đồng chí Tô Hiệu với cây đào được trồng tại Nhà tù Sơn La đã trở thành biểu tượng tinh thần đấu tranh kiên cương, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản tại đây đồng thời là biểu tượng của sức sống cách mạng vươn lên và mãi nở hoa, kết trái |
Những người bạn cùng tù ngục với đồng chí Tô Hiệu kể rằng, dẫu biết không thể qua khỏi vì lâm trọng bệnh nhưng ông vẫn cố gắng, một tay ôm ngực một tay viết tài liệu huấn luyện cho Chi bộ Nhà tù. Đồng chí nói với anh em: Mình biết chắc sẽ chết sớm hơn mọi người. Vì vậy, mình phải tranh thủ thời gian để chiến đấu, phục vụ cho Đảng, cho cách mạng.
Giới trẻ tìm hiểu về cuộc đời và tinh thần của đồng chí Tô Hiệu tại di tích Nhà tù Sơn La |
Đến đầu năm 1944, chế độ lao tù hà khắc của thực dân Pháp và bệnh tật hiểm nghèo đã cướp đi sinh mạng đồng chí Tô Hiệu. Ông đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà tù Sơn La khi mới 32 tuổi. Với 32 năm tuổi đời, 18 năm quyết dấn thân, hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của Nhân dân, cuộc đời cũng như sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu là một tấm gương sáng của một chiến sĩ tiên phong, người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta.
Hình ảnh đồng chí Tô Hiệu với cây đào được trồng tại Nhà tù Sơn La đã trở thành biểu tượng tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản tại đây; Đồng thời là biểu tượng của sức sống cách mạng vươn lên và mãi nở hoa, kết trái. Đại tướng Nguyễn Văn Dũng đã nói: Trong số trăm ngàn liệt sĩ đã hy sinh vì nước, vì dân, đồng chí Tô Hiệu nổi lên như một người mà chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù thực dân, đế quốc chẳng những không đè bẹp được ý chí cách mạng mà trái lại, nó như một thứ lửa vàng, hun đúc để trở thành gang thép.