Kỳ vọng tạo ra bước đột phá trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ
Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 được diễn ra từ ngày 2 đến ngày 6/11 tại Khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hội chợ có 150 gian hàng trưng bày nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản, lương thực, thực phẩm, trái cây đặc sản vùng miền và hàng thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước.
Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết: Hội chợ và hội thi là hai hoạt động chính nằm trong chuỗi 7 hoạt động của sự kiện “Festival làng nghề Việt Nam năm 2022”. Đây là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2022 nhằm triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Họp báo giới thiệu Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 |
Sự kiện nhằm quảng bá, tuyên dương các làng nghề truyền thống; các nghệ nhân, thợ giỏi; Giới thiệu, quảng bá chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương với các kênh tiêu thụ truyền thống và hiện đại. Đồng thời tăng cường liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, phát triển sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường...
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết: Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 và hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2022 là cơ hội để các chủ thể có thể cải tiến mẫu mã sản phẩm và định hướng phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, đánh thức lại tiềm năng phát triển của làng nghề Việt Nam trong đó có các các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tạo tiền đề để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo hướng đa dạng hóa.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp |
Hội chợ hứa hẹn sẽ thu hút được đông đảo khách là doanh nghiệp, hợp tác xã, và Hội nông dân các tỉnh đến tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm và tham gia các hoạt động. Thông qua đó góp phần quảng bá, tôn vinh các sản phẩm làng nghề, cơ sở nghề thủ công của các địa phương trong cả nước, nhiều sản phẩm được kết nối, tiêu thụ rộng rãi và mang lại hiệu quả kinh tế cho nghệ nhân và các làng nghề.
Đồng thời cũng tạo ra cầu nối hiệu quả, là kênh xúc tiến thương mại quan trọng cho các sản phẩm có chất lượng của khu vực kinh tế nông thôn thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo cơ hội cho các địa phương giao lưu, quảng bá tiềm năng kinh tế, dịch vụ của mình. Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của nước ta.
Hội chợ có 150 gian hàng trưng bày nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản, lương thực, thực phẩm |
Hiện, số lượng gian hàng tham gia hội chợ là 136 gian hàng tiêu chuẩn, 216m2 đất trống tự dựng gian hàng và 1200m2 sàn trưng bày sản phẩm. Số lượng đơn vị đăng ký tham gia: 84 đơn vị, trong đó 21 đơn vị địa phương, 63 đơn vị là các Doanh nghiệp, HTX của các tỉnh như: Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Đak Nông, Bình Thuận, Nghệ An, Cà Mau, Điện Biên…
Đặc biệt, các sản phẩm tham gia trưng bày đều đảm bảo nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm hữu cơ, điển hình. Ngoài ra, hội chợ còn trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề, phố nghề truyền thống.