Lan tỏa tình đoàn kết dân tộc
Ngày “Tết” đặc biệt tại các khu dân cư
Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc TP Hà Nội đã qua từ lâu nhưng dư âm ngày hội và giai điệu của “Vũ điệu kết đoàn” vẫn còn đâu đó trong các khu dân cư, trong đời sống hàng ngày của nhiều người dân quận Tây Hồ.
Được tổ chức tại không gian văn hóa phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc TP Hà Nội năm 2023 đã gây ấn tượng mạnh mẽ bằng phần trình diễn “Vũ điệu kết đoàn” do chính Nhân dân 8 phường và khối cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, Đoàn Thanh niên quận Tây Hồ thực hiện. Phần trình diễn đạt kỷ lục là màn múa có sự tham gia đông nhất của các tầng lớp Nhân dân từ trước tới nay và trở thành điểm nhấn của ngày hội bên cạnh các chuỗi sự kiện như: Vinh danh các sản phẩm, dịch vụ hàng Việt; liên hoan văn nghệ với các tiết mục nghệ thuật truyền thống: múa rồng, biểu diễn tuồng, chèo; biểu dương các trào thi đua yêu nước góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc lần đầu tiên được Hà Nội tổ chức ở quy mô cấp TP |
Trước đó, từ trung tuần tháng 10, “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” cũng được tổ chức tại 41 khu dân cư, liên khu dân cư điểm trên địa bàn TP. Tại mỗi nơi đều đón một cái “Tết” mang “đặc điểm” riêng. Nếu Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc toàn phường Giang Biên diễn ra với đa dạng các hoạt động: Thi đấu bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, biểu diễn dưỡng sinh, thi nấu ăn, kéo co, biểu diễn văn nghệ...
Tại quận Hai Bà Trưng, các bữa cơm đoàn kết đều được các hộ gia đình tự nguyện đóng góp, từ đó càng thắt chặt tình đoàn kết trong Nhân dân… Dịp này, tại 41 khu dân cư, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, TP đã tặng quà cho 410 các hộ gia đình tiêu biểu tích cực tham gia các phong trào ở địa phương.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là phương thức quan trọng trong hoạt động của MTT Việt Nam để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhiều năm qua, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn TP đã thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp quan trọng, tạo nên những thành tựu kinh tế xã hội của Thủ đô. Sự tham gia tích cực của toàn hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của Nhân dân trong tổ chức ngày hội giúp hệ thống MTTQ Việt Nam khẳng định vị thế trong hệ thống chính trị các cấp, làm tròn vai trò cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với quần chúng Nhân dân; tăng cường niềm tin chính trị, củng cố đồng thuận xã hội... giúp mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương luôn kịp thời đổi mới, sáng tạo đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân.
Từ nhiều năm nay, ngày hội đã trở nên thường xuyên, quen thuộc, đi vào nền nếp của người dân trên toàn Thủ đô, bởi nó phù hợp và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân. Năm 2023, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được đưa lên một tầm cao mới và là hoạt động nổi bật trong nhiều điểm nhấn của Mặt trận trong năm 2023.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc TP Hà Nội năm 2023 |
Phát huy trung tâm khối đại đoàn kết
Phát huy vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, năm qua, Mặt trận các cấp TP đã tích cực triển khai 5 nội dung của cuộc vận động với nhiều mô hình hay, cách làm phù hợp. Các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”... do Mặt trận phát động đã trở thành cuộc vận động mang tính toàn dân, toàn diện, có sức lan tỏa, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Ủy ban MTTQ TP đã phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” TP và đã nhận được sự đăng ký, ủng hộ quỹ với tổng số tiền 50,117 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/10/2023, Quỹ “Vì người nghèo” TP đã tiếp nhận ủng hộ với tổng số tiền trên 26,154 tỷ đồng (năm 2023 tăng 165% so với năm 2022 đăng ký ủng hộ 30,388 tỷ đồng).
Từ nguồn quỹ vận động được, TP đã trích trên 29 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, thăm tặng quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương nhân tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2023.
Thông qua các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận các cấp TP đã góp phần bảo vệ quyền lợi, lợi ích của Nhân dân |
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã tham mưu trích nguồn kinh phí cứu trợ thành phố để hỗ trợ 620 triệu đồng cho các nạn nhân trong các vụ hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, Nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng do bão lũ; tham mưu trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy duyệt phương án hỗ trợ các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân với tổng số 132 tỷ 278 triệu đồng.
Với phương châm “hướng về cơ sở”, Mặt trận các cấp TP đã kịp thời nắm và phản ánh dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.
Đặc biệt, Mặt trận các cấp đã chú trọng phát huy dân chủ cơ sở để người dân mạnh dạn nói lên ý kiến, giúp chính quyền địa phương có hướng chỉ đạo sát thực tế trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Năm 2023, cùng với các tổ chức chính trị, Mặt trận các cấp TP đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Kết quả 7/7 đơn vị có dự án vành đai 4 đi qua đều bàn giao, giải phóng mặt bằng đảm bảo theo tiến độ yêu cầu.
Nhằm thắt chặt mối quan hệ, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và chính quyền, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa đồng chí Bí thư Thành uỷ với MTTQ Việt Nam các cấp TP Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thông qua hội nghị, 27 nội dung thuộc 4 nhóm vấn đề lớn là những vấn đề Nhân dân quan tâm đã được đồng chí Bí thư Thành ủy, các Sở, ngành TP giải đáp. Mặt trận các cấp TP cũng đã phối hợp tổ chức 210 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền cùng cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội và Nhân dân.
Phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP Hà Nội tổ chức 476 hội nghị phản biện xã hội, tổ chức 1.329 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với 29.448 ý kiến; tham gia góp ý đối với 3.854 dự thảo văn bản của Đảng và chính quyền có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của Nhân dân.
Các quỹ “Vì người nghèo”, “Vì biển, đảo Việt Nam” … đã phát huy tinh thần đoàn kết trong Nhân dân |
Năm 2024 là năm có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; đồng thời là năm diễn ra Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ 18, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ 10, nhiệm kỳ 2024 - 2029... Những nhiệm vụ này đòi hỏi hệ thống Mặt trận các cấp TP nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đoàn kết, tập hợp, huy động mọi tiềm năng, nguồn lực, sức sáng tạo trong các tầng lớp Nhân dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của TP.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương cho biết: Mặt trận TP sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, đa dạng hoá các hình thức tập hợp đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc; nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua nhằm khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cùng với đó, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp luôn đổi mới, sáng tạo; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là Thủ đô Văn hiến - Anh hùng, Thành phố vì hòa bình.