Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động
Rộn ràng Ngày hội Cha-Ching trang bị kỹ năng quản lý tiền cho trẻ em Việt Nam |
Tối 31/5, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, diễn ra lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022. Chương trình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức.
Chương trình có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Đặc biệt, chương trình có sự tham dự của gần 700 trẻ em đại diện cho hơn 25 triệu trẻ em toàn quốc.
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè |
Hành động mạnh mẽ hơn
Trong bài phát biểu phát động Tháng hành động vì trẻ em, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Tháng hành động vì trẻ em được phát động hằng năm mở đầu những ngày hè vui, bổ ích của thanh thiếu nhi cả nước và đợt cao điểm dành mọi quan tâm chăm lo cho trẻ em, nhất là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, cuộc sống còn nhiều khó khăn để có cơ hội bình đẳng như bao trẻ em khác.
Tháng hành động vì trẻ em năm nay ý nghĩa hơn vì sau rất nhiều khó khăn, thử thách của đại dịch COVID-19, trẻ em lại tiếp tục được trở lại trường học, gặp mặt thầy cô giáo, bạn bè thân thương; lại có mùa hè hứa hẹn nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực.
Tiết mục văn nghệ của các em thiếu nhi tại chương trình |
Là cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm tham mưu, ban hành chương trình, chính sách, điều phối, phối hợp thực hiện quyền trẻ em, thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cấp, ngành chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban quốc gia vì trẻ em trong thực hiện quyền trẻ em, phê duyệt các chính sách, chương trình, đề án bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2021-2025...
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em cần sự chung tay, đồng lòng trong cam kết thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội, các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình |
Thông qua Tháng hành động vì trẻ em, mỗi bậc cha, mẹ, ông, bà, các gia đình cần nhận thức rõ trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; Chung tay xây dựng môi trường gia đình an toàn, thường xuyên quan tâm, chăm sóc, giám sát bảo đảm an toàn cho con em mình, phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước...
Mỗi cá nhân và cộng đồng hãy lên tiếng, tích cực phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em đến các cơ quan chức năng. Các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt xâm hại trẻ em, phải được các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở xử lý kịp thời, nghiêm minh nhất và bảo đảm hỗ trợ vì các lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
Các đại biểu trao tặng quà tới thiếu nhi |
Hơn lúc nào hết, từng bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp cần sự nỗ lực nhiều hơn, chủ động phối hợp triển khai đồng bộ và kịp thời các chủ trương, chính sách trong giải quyết các vấn đề về trẻ em.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi lễ |
“Chúng ta cần hành động thiết thực, mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa để mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, thân thiện, được chăm sóc, nuôi dưỡng và hưởng đầy đủ các quyền của mình”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ.
3 trụ cột bảo vệ trẻ em
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, sự kiện phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022 đặc biệt hơn mọi năm khi các cháu thiếu nhi vừa trải qua giai đoạn rất khó khăn vì đại dịch COVID-19. Nhấn mạnh sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương vô vàn với thiếu nhi, Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta không chỉ có Tháng hành động vì trẻ em mà phải luôn luôn hành động vì trẻ em”.
Theo Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến trẻ em, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em phát triển toàn diện, an toàn. Nhiều chương trình ý nghĩa nhân văn dành cho trẻ em đã và đang được triển khai.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em vẫn còn những khó khăn, thách thức. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn trăn trở day dứt khi vẫn còn các thiếu nhi vẫn còn sống cuộc sống khó khăn; Tình trạng đuối nước, tự tử, trầm cảm, di chứng hậu COVID-19… ở một bộ phận trẻ em vẫn còn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà tới thiếu nhi |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, để chăm sóc, giáo dục trẻ em cần 3 trụ cột: Gia đình, nhà trường và xã hội hành động bằng cả tấm lòng, trái tim yêu thương trẻ.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh gia đình phải tạo ra môi trường xống xanh, an toàn, tránh gây áp lực cho con trẻ, bởi thực tế nhiều trẻ bất hạnh trong chính ngôi nhà mình. Nhà trường hãy tạo không khí “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, tránh gây áp lực học hành cho học sinh, đặc biệt là chú ý tâm lý của trẻ sau dịch COVID-19.
Đối với xã hội, Thủ tướng cho rằng “hãy trách nhiệm, yêu thương với trẻ em”. “Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo bảo về trẻ em bằng hành đông”, Thủ tướng nhấn mạnh và kêu gọi mỗi cá nhân, xã hội hành động vì trẻ em bằng trách nhiệm và tấm lòng nhân ái; Đồng thời lên án mạnh mẽ các hành động bạo lực, xâm hại trẻ em.
Các đại biểu trao tặng quà tới thiếu nhi |
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chính lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao bảo trợ cho 20 trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 (chương trình “Nối vòng tay thương” do Trung ương Đoàn triển khai đến nay đã bảo trợ được 1.908 em); Trao quà cho 40 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trao tặng thiết bị học tập trực tuyến cho 20 thiếu nhi.
Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022, các đồng chí lãnh đạo đã đến thăm và tặng quà bệnh nhi đang điều trị tại Trung tâm Ung thư và bệnh nhi đang điều trị sức khỏe tâm lý hậu COVID-19 tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh trao quà tới thiếu nhi |
Trước đó, trong khuôn khổ chương trình phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Thường trực Hội đồng Đội Trung ương đã tổ chức gặp mặt 20 em thiếu nhi đại diện cho 160 em được nhận bảo trợ trong đợt 4 của chương trình tại các địa phương: Hà Nội, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Bình Dương, Bến Tre, Kiên Giang và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh chương trình gặp mặt, trao tặng quà tới các em, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương và các đơn vị đồng hành sẽ tổ chức cho các em vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, thăm quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám và giao lưu, tìm hiểu một số hoạt động văn hóa tại Hà Nội.
Tháng hành động vì trẻ em hằng năm là dịp để các cấp chính quyền địa phương, gia đình, cộng đồng tiếp nhận và quản lý, giám sát trẻ em về hoạt động hè tại xã, phường; Tổ chức cho trẻ em một mùa hè an toàn, giảm đuối nước, giảm thiểu các vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bóc lột. 10 thông điệp truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2022: 1. Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình; 2. Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng; 3. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; 4. Kiên quyết phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình; 5. Hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; 6. Gọi 111 để thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; 7. Số 111 - tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi. 8. Toàn Đoàn đẩy mạnh Cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu” 9. Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em. 10. Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động. |