Lào Cai: Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4
Tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp
Trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh Lào Cai đã rà soát, đơn giản hóa đối với 44 thủ tục hành chính, rà soát 54 chuyên đề trên nhiều lĩnh vực với 8.112 lượt văn bản, qua đó kiến nghị và được chấp thuận chủ trương xử lý 242 văn bản không còn phù hợp; Đồng thời, thực hiện thư xin lỗi trong trường hợp giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn, tạo chuyển biến trong nhận thức và trách nhiệm thực thi công vụ.
Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa vẫn còn nhiều bất cập, gian nan trong việc ứng dụng công nghệ khi mà Internet chưa được phủ rộng, trang thiết bị ở các cơ quan công sở ở xã, huyện còn lạc hậu, chưa đầy đủ và người dân vẫn còn chưa thuần thục các cách thức giao dịch qua mạng.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tổng số TTHC 3 cấp tỉnh, huyện, xã là 2.011 TTHC, trong đó cấp tỉnh là 1.569 TTHC; cấp huyện là 300 TTHC và cấp xã là 142 TTHC.
100% TTHC của Lào Cai đã được cập nhật, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC Cổng Dịch vụ công quốc gia (http://dichvucong.gov.vn); 100% TTHC công bố được cập nhật, niêm yết công khai trên Cổng dịch vụ công tỉnh Lào Cai (http://dichvucong.laocai.gov.vn).
Có hơn 700 thủ tục hành chính đã được các cơ quan, đơn vị cắt giảm từ 30 - 50% thời gian giải quyết so với quy định. Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí hơn 108 tỷ đồng.
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Lào Cai giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công Quốc gia với 24 cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC gồm: 18 Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh Lào Cai, 4 đơn vị ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Lào Cai và 2 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công.
Chia sẻ với phóng viên, anh Trần Quốc Toản, chủ một nhà hàng tại Sa Pa cho hay: “Gần đây, tôi đến một cửa của UBND thị xã để nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh mở rộng thêm dịch vụ kinh doanh, điều khác biệt là tôi không phải chờ lâu để nộp hồ sơ mà khi nhận kết quả cũng rất thuận tiện. Đặc biệt, tôi có thể theo dõi được trạng thái hồ sơ của tôi trên trang dịch vụ công của UBND tỉnh Lào Cai mà không phải liên hệ qua điện thoại để hỏi hay trực tiếp đi lại nhiều lần như trước đây. Tôi rất hài lòng với sự tận tình phục vụ của cán bộ tại bộ phận một cửa và dịch vụ công trực tuyến tại tỉnh Lào Cai”.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Để triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 (tại Thông báo số 64/TB-VPCP ngày 27/3/2021 của Văn phòng Chính phủ); Đề án số 14/ĐA-TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về CCHC trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của CCHC đối với công cuộc xây dựng và phát triển của địa phương, của đất nước.
Đồng thời, tỉnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nội dung tuyên truyền phải đảm bảo tính thời sự, chính xác và phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Từ đó, coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về CCHC đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân để tạo ra sự đồng thuận chung trong toàn xã hội về thực hiện các nhiệm vụ CCHC; Xác định những lợi ích thiết thực, hiệu quả mà công cuộc CCHC đem lại cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Người dân đến nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa thị trấn Phong Hải (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) cũng được tuyên truyền về các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 |
UBND tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, lâu dài gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị. Bảo đảm sự nhất quán, kiên trì, liên tục, có đổi mới, sáng tạo, theo định hướng trong triển khai CCHC của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Duy trì và tăng cường công tác chỉ đạo triển khai thực hiện CCHC thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.
Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công tác CCHC; Phải xác định mọi việc vì lợi ích thiết thực, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu là điều kiện quan trọng đảm bảo sự thành công của CCHC.
Lấy kết quả Chỉ số CCHC hàng năm, kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng năm đối với cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan đơn vị theo nguyên tắc kết quả đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và người đứng đầu tập thể đó không cao hơn kết quả đánh giá xếp loại Chỉ số CCHC, kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của đơn vị trong năm đánh giá.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế của tỉnh đảm bảo phù hợp, dễ hiểu, dễ thực hiện và có tính khả thi, triển khai thi hành nghiêm túc, đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống.
Tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định TTHC còn rườm rà, cắt giảm tối đa thời gian thực hiện TTHC đặc biệt là các TTHC có tần xuất thực hiện nhiều. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian đi lại và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tối đã việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức với người dân, doanh nghiệp từ đó hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu và tăng cường tính công khai, minh bạch.
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021