Lấy các cụm liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ làm động lực tăng trưởng
Hội thảo tổng kết hoạt động 2023 và lập kế hoạch 2024 Nhóm công tác PPP rau quả diễn ra tại Gia Lai |
Lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Sở ban ngành địa phương, thành viên Nhóm công tác PPP về rau quả, các doanh nghiệp quốc tế và trong nước đang đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp- rau quả, các Viện/trung tâm nghiên cứu- trường đại học, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ có liên quan khác cùng đông đảo bà con nông dân đã tham dự sự kiện này.
Phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, báo đài các địa phương cũng có mặt để đưa tin về sự kiện.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tham gia thu hoạch khoai tây cùng bà con nông dân |
Phát triển bền vững các chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ và xuất khẩu rau quả
Những năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều sáng kiến hợp tác-liên kết, lấy các cụm liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ làm động lực tăng trưởng. Ngành đã có các giải pháp thu hút các doanh nghiệp “đầu tàu” để dẫn dắt chuỗi giá trị, nâng cao giá trị nông sản và gia tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao.
Như nhiều lĩnh vực khác trong ngành nông nghiệp, trước đây, ngành hàng rau quả cũng gặp nhiều vướng mắc về sản xuất, chế biến, thị trường đầu ra. Tuy nhiên, nhờ những hướng đi đúng đắn, trong thời gian gần đây, ngành hàng rau quả liên tiếp nhận được nhiều tín hiệu vui, thiết lập các kỷ lục về sản xuất cũng như xuất khẩu.
Đại diện ban ngành và các đối tác tham gia thu hoạch khoai tây cùng bà con nông dân |
Đối với sự phát triển của ngành rau quả nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung, hợp tác công tư (PPP) là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào chế biến sâu, gia tăng giá trị và đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị ngành hàng tiên tiến, hiệu quả.
Từ năm 2010, Nhóm Công tác PPP về Rau quả, do PepsiCo, Syngenta và Cục Trồng trọt đồng chủ trì đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập và hoạt động trong khuôn khổ Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), hướng tới giải quyết các nút thắt và khai thác tiềm năng của ngành.
Đại diện ban ngành và các đối tác tham gia thu hoạch khoai tây cùng bà con nông dân |
Hội thảo tổng kết 2023 và lập kế hoạch 2024 nhóm Rau quả của PSAV do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (khối Công) và PepsiCo, Syngenta (khối Tư) phối hợp tổ chức với chủ đề “Thúc đẩy nông nghiệp xanh phát triển bền vững các chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ và xuất khẩu rau quả", phù hợp với bối cảnh Bộ NN&PTNT tăng cường triển khai thực hiện các cam kết được Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Một trong những hoạt động nổi bật trong khuôn khổ hội thảo này là Phiên thảo luận sôi nổi về kế hoạch 2024 của Nhóm Công tác PPP Rau quả với những ý kiến xác đáng từ các thành viên nhóm khối công và tư, các nhà nghiên cứu – trường đại học, lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế tích cực trong chuỗi giá trị ngành hàng rau quả cũng như các tổ chức quốc tế nhằm phát huy thế mạnh của khối công, khối tư và khắc phục những khó khăn, thách thức nhằm thúc đẩy nông nghiệp xanh, phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông sản rau quả.
Tại cuộc gặp ở Gia Lai lần này, ngoài việc được chia sẻ kinh nghiệm hợp tác thành công trong việc kết nối các đối tác trong chuỗi giá trị sản xuất khoai tây bền vững, giảm phát thải, các đại biểu còn được tham quan mô hình liên kết sản xuất khoai tây bền vững để tìm hiểu các giải pháp về giống; giải pháp canh tác/phân bón; giải pháp quản lý sâu bệnh cũng như các giải pháp về công nghệ drone, tưới, SFI… và tham gia thu hoạch khoai tây chất lượng quốc tế cùng với hàng trăm nông dân tham gia mô hình.
Năng suất khoai của mô hình khi thu hoạch trung bình đạt 23-26 tấn_ha, cao gấp 3 lần so với canh tác truyền thống. |
Câu chuyện thành công về chuỗi sản xuất khoai tây khép kín
Chương trình sản xuất khoai tây bền vững do Syngenta, PepsiCo - đồng trưởng Nhóm công tác PPP về Rau quả, phối hợp với các đối tác Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Yara, Mimosatek, Netafim_Khang Thịnh, USAIDS, Resonance-dự án GDA và Care-Dự án She Feeds The World (SFtW) triển khai từ năm 2019. Lấy nhà nông dân là trọng tâm, các doanh nghiệp và đối tác đã xây dựng mô hình sản xuất khoai tây khép kín từ: Chăm sóc đất - giống - Xử lý hạt giống - Thuốc bảo vệ thực vật - Phân bón - Tưới tiêu - Kỹ thuật canh tác - Bao tiêu đầu ra - Chế biến sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo.
Năng suất khoai của mô hình khi thu hoạch trung bình đạt 23-26 tấn_ha, cao gấp 3 lần so với canh tác truyền thống. |
Những giải pháp công nghệ trong Mô hình liên kết sản xuất khoai tây bền vững đã mang lại những kết quả vượt trội trong 5 năm qua. Cụ thể, năng suất khoai thu hoạch trung bình đạt 23-26 tấn/ha, cao gấp 3 lần so với canh tác truyền thống, thậm chí nơi cao nhất đạt 52 tấn/ha. Mỗi năm tiết kiệm hơn 5 triệu mét khối nước; thu nhập nông dân tăng lên gần 3 lần.
Bên cạnh đó, mỗi năm, Dự án triển khai tập huấn sản xuất an toàn cho gần 6.000 lượt nông dân, diện tích trồng khoai tây tăng trung bình 20% hàng năm, số hộ nông dân tham gia vào chương trình tăng 10%/năm. Năng lực, vai trò của phụ nữ và nông dân đồng bào thiểu số trong mô hình cũng được nâng cao đáng kể.
Các đại biểu dự Ngày hội thu hoạch khoai tây tham quan mô hình |
Riêng trong năm 2023, PepsiCo, Syngenta và các đối tác trong chuỗi giá trị ứng dụng hàng loạt các giải pháp công nghệ mới trong sản xuất khoai tây. Kết quả cho thấy năng suất khoai thu hoạch trung bình đạt 30-34 tấn/ha. Bộ giải pháp quản lý sâu bệnh giúp giảm 2 lần phun thuốc/vụ, tiết kiệm 2 triệu đồng/ha cho nông dân; sử dụng drone giảm hơn 10 lần lượng nước pha thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2023 cũng đánh dấu năm đầu tiên mô hình xuất khẩu 6.000 tấn khoai tây tươi và được khách hàng đánh giá chất lượng cao hơn khoai nhập từ Úc, Canada hay Đức, đồng thời mô hình này đã được nhân rộng ra miền Bắc giúp cải thiện sinh kế cho người nông dân tại các tỉnh trọng điểm trồng khoai tây tại phía Bắc.
Thành công của dự án sản xuất khoai tây bền vững giúp nâng cao thu nhập của người dân, hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon và ô nhiễm môi trường.
Các đại biểu dự Ngày hội thu hoạch khoai tây tham quan mô hình |
Đây là một trong những đóng góp của Nhóm Công tác PPP về Rau quả trong quá trình hiện thực hóa Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam. Chương trình này cũng phù hợp để thử nghiệm mô hình công nghệ mới và đổi mới sáng tạo khi triển khai Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm tại Việt Nam mới được Bộ NN&PTNT ban hành trong tháng 12/2023.
Trong khuôn khổ sự kiện tại Gia Lai, Ngày hội thu hoạch khoai tây đã thu hút sự tham gia đông đảo của bà con nông dân.
Nông dân Trần Thị Vân Anh tại Gia Lai hồ hởi chia sẻ: "Khi tham gia chương trình sản xuất khoai tây bền vững, tôi được tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến, nâng cao năng lực quản lý tài chính và sản xuất an toàn. Tôi cũng được tiếp cận công nghệ tiên tiến như công nghệ xử lý giống, phân bón, tưới tiêu hay thăm đồng thông qua drone.
Tôi có thể quản lý canh tác thông qua Apps và điều chỉnh tưới nước thông qua điện thoại thông minh. Với những kiến thức này, tôi có thể chia sẻ cùng chồng nhiều hơn trong quá trình canh tác. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ hiện đại cũng giúp tôi tiết kiệm thời gian, tôi có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, cho gia đình và các con".
Mô hình hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây bền vững do Syngenta, PepsiCo và các đối tác triển khai từ năm 2019 |
Theo ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp, trong đó đặt mục tiêu phát triển 120.000 hecta trồng rau quả với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1-2 tỷ USD. Tỉnh cũng mong muốn tận dụng hiệu quả những điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai cho việc trồng cây nông nghiệp sạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc cũng như yêu cầu về chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình hợp tác sản xuất khoai tây bền vững đã đáp ứng được kỳ vọng này. Tham gia mô hình trồng cây khoai tây thông minh này, các hộ nông dân rất phấn khởi bởi họ không chỉ có được giống, vật tư đảm bảo, tuân thủ quy trình quốc tế mà còn được các chuyên gia kỹ thuật theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu ra. Những thành công từ mô hình này sẽ được Gia Lai nghiên cứu để mở rộng áp dụng cho các cây trồng khác.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc công ty thực phẩm PepsiCo Việt Nam, phát biểu: PepsiCo rất tự hào triển khai tại Việt Nam Chiến lược Pep+ toàn cầu của tập đoàn với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, cải thiện sinh kế cho hơn 250.000 người trong chuỗi cung ứng nông nghiệp vào năm 2030.
Chương trình trồng khoai tây bền vững bao tiêu sản phẩm PepsiCo lấy người nông dân làm trung tâm, dẫn dắt chuỗi giá trị liên kết với nhiều đối tác, đã thành công vượt trội ở các tỉnh Tây nguyên; hướng tới đảm bảo 100% nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất snack chất lượng quốc tế, gia tăng giá trị xuất khẩu khoai tây tươi ra thị trường quốc tế và đẩy mạnh nông nghiệp tuần hoàn là trọng tâm của chương trình trong thời gian tới.
Đông đảo nhân viên, đại lý và Ban lãnh đạo của Syngenta có mặt tại sự kiện để chia sẻ niềm vui được mùa của bà con nông dân |
Đánh dấu cột mốc quan trọng 30 năm PepsiCo có mặt tại Việt Nam vào năm 2024, mô hình chuỗi giá trị khoai tây sẽ được mở rộng ra phía Bắc nhằm nâng cao sinh kế, hướng người nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đây sẽ là vùng nguyên liệu chất lượng cho nhà máy thực phẩm mới của PepsiCo tại Hà Nam với vốn đầu tư gần 90 triệu Đô-la Mỹ dự kiến vận hành vào quý III/2025.
Ông Trần Thanh Vũ – Tổng giám đốc Công ty Syngenta Việt Nam, thông tin: Dự án sản xuất khoai tây bền vững ở khu vực Tây Nguyên đã thành công, kết nối đầy đủ các đối tác đa dạng trong chuỗi. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và các giải pháp nông học mới trong sản xuất khoai tây, năng suất khoai tây đã tăng mạnh, từ đó gia tăng thu nhập cho người nông dân. Thông qua dự án, đã hình thành vùng nguyên liệu sản xuất bền vững với những sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Dự án cũng góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới nền nông nghiệp xanh.