Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ đảm bảo đầu ra cho nông sản
Phát huy vai trò của liên kết chuỗi
Trong những năm gần đây, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao như vùng lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, vùng trồng hoa cây cảnh, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản mang lại nguồn cung nông sản vô cùng dồi dào và phong phú.
Ngành nông nghiệp Hà Nội cũng đã phát huy vai trò của liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc nhằm kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc thu mua, phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất. Đồng thời, triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh và sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết là hướng đi mới giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững.
Ngành Nông nghiệp Hà Nội thống kê, hiện toàn thành phố có 1.701 trang trại (theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT), trong đó 33 trang trại trồng trọt, 1.359 trang trại chăn nuôi, 180 trang trại nuôi trồng thủy sản, 1 trang trại lâm nghiệp, 125 trang trại tổng hợp và 3 trang trại hoạt động du lịch nông nghiệp.
Hiện toàn thành phố Hà Nội có 1.701 trang trại, trong đó có 1.359 trang trại chăn nuôi |
Thời gian qua, các trang trại quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Toàn thành phố có 243 trang trại ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản (theo Quyết định số 3215/QĐ-UBND ngày 14/4/2019 của UBND thành phố).
Hiện, thành phố có khoảng 277 trang trại đã liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, trong đó, 200 trang trại chăn nuôi (lợn, gia cầm) liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam...
Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Các sản phẩm đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Mặc dù các chuỗi liên kết được tổ chức khép kín, chủ động hoàn toàn từ khâu sản xuất giống, vật tư, tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường... Tuy vậy, nhiều chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội vẫn chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ lẻ, hình thức liên kết theo kiểu "thuận mua - vừa bán", dễ xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng, dẫn đến việc sản xuất, tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn.
Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Tiền Lệ (huyện Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào cho biết: "Việc liên kết chưa được như mong muốn nên sản lượng rau của hợp tác xã tiêu thụ qua kênh doanh nghiệp chỉ được 35%, còn lại bà con phải tự tiêu thụ...".
Trong khi đó, việc được hưởng những cơ chế ưu đãi cũng không dễ. Theo Giám đốc Hợp tác xã rau, quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám, dù rất muốn nhưng đơn vị vẫn chưa được hỗ trợ theo Nghị định số 98/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Nghị định 98).
Đơn cử, Nghị định 98 quy định “hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết” bao gồm nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất mà không hỗ trợ nhà màng, nhà lưới và xe chuyên dụng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến... Trong khi đó, các bên tham gia liên kết rất cần các hạng mục này.
Thời gian tới, thành phố sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, nhà xưởng chế biến... nhằm nâng cao giá trị nông sản |
Để hỗ trợ các liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Nguyễn Văn Chí cho biết: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định 98 và sửa đổi, bổ sung một số nội dung để phù hợp với nhu cầu thực tế...
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tập trung rà soát các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm định hướng xây dựng chuỗi liên kết đáp ứng yêu cầu mới. Thành phố sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, kho tàng, nhà xưởng chế biến... nhằm nâng cao giá trị gia tăng phục vụ hệ thống phân phối của doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu.
Đối với các hợp tác xã, tập trung hỗ trợ giống, vật tư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng được yêu cầu của các hệ thống phân phối: Siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, bếp ăn tập thể...
Bên cạnh những hỗ trợ từ Nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng phải xác định được vai trò đầu tàu trong chuỗi liên kết để tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững.