Đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần
Trước khi diễn ra hội nghị, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra thực tế chế biến thực phẩm tại Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín).
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, ngành Nông nghiệp đã rà soát, thống kê 14.033 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản; Chỉ đạo các huyện tích cực tuyên truyền, tập huấn và tổ chức ký cam kết 187.875/198.108 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ ban đầu chấp hành điều kiện về an toàn thực phẩm.
Các ngành chức năng cũng thực hiện lấy mẫu, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm tập trung vào các sản phẩm tươi sống, sản phẩm chế biến tiêu dùng hằng ngày của người dân tại các công đoạn có nguy cơ cao. Trong năm 2021, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và thủy sản Hà Nội lấy 2.697 mẫu giám sát, phát hiện 230 mẫu vi phạm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm...
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đã khảo sát, hỗ trợ 15 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản để xây dựng chương trình kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm; Hỗ trợ 25 doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản trong chuỗi nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thực tế tại Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) |
Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thực phẩm trên thị trường, các đơn vị của ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tập trung xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn; Kiểm tra giám sát vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: Trong những năm qua, thành phố luôn ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển sản xuất nông nghiệp, kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, cung cấp thực phẩm chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng.
Dự báo, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, khả năng cung ứng một số nhóm hàng thiết yếu cần cho khoảng 10,33 triệu người sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội ước tính khoảng 39.000 tỷ đồng.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào sản phẩm có nguy cơ cao; Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép "Vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa ổn định đời sống Nhân dân, phục hồi, phát triển kinh tế trong tình hình mới.
Đánh giá cao việc chủ động nguồn cung nông sản, thực phẩm của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho hay: Thời gian qua, Hà Nội đã làm tốt công tác an toàn thực phẩm, từ việc rà soát các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản đến xây dựng chuỗi từ sản xuất đến sơ chế, chế biến tiêu thụ sản phẩm rất chặt chẽ.
Tuy nhiên, Hà Nội cần mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn; Khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, cần công khai cơ sở vi phạm trên phương tiện đại chúng để người dân biết, không lựa chọn sử dụng trong dịp lễ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.